Quảng Ngãi: Siết chặt lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm để xâm hại rừng
(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng tránh tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9.806 hộ trên địa bàn. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, giúp cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở từng bước ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để phá rừng, mua bán, vận chuyển, sử dụng lâm sản trái pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Quán triệt, khuyến khích các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát sử dụng vật liệu xây dựng khác thay thế vật liệu gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Trường hợp sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên phải đảm bảo gỗ có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Tổ chức ký cam kết không sử dụng vật liệu gỗ có nguồn gốc tự nhiên mà không có hồ sơ lâm sản hợp pháp. Kiên quyết không hỗ trợ đối với các hộ gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát vi phạm cam kết.
Chính quyền địa phương nắm bắt thông tin từ cơ sở để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lợi dụng chủ trương để thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật; không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra việc lợi dụng chủ trương để khai thác gỗ rừng tự nhiên làm nhà, thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn quản lý.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai cho các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại các địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh, nhất là địa bàn các huyện trung du và miền núi.
Yêu cầu hạt Kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm làm việc tại địa bàn xã, phường, thị trấn bám sát cơ sở tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng gắn với giao đất. Đơn vị chức năng nắm chắc danh sách các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn để vận động, tuyên truyền sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên đảm bảo có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng. Xử lý trách nhiệm của các chủ rừng, là tổ chức khi để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật đến mức nghiêm trong trên lâm phần được giao mà không có biện pháp ngăn chặn, không báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền để tổ chức ngăn chặn khi còn manh nha ở cơ sở.
Các sở ngành có liên quan phối hợp với sở NN&PTNT trao đổi thông tin có liên quan về tình hình quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật về lâm nghiệp làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW, Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu "xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát" cho hộ dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Dự kiến đến năm 2025, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ nguồn ngân sách nhà nước, từ huy động nguồn lực của xã hội, tỉnh sẽ hỗ trợ nhà ở cho khoảng 9.797 hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.