Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ: Tác động, lan tỏa mạnh mẽ tới doanh nghiệp
Ngày 2/12, tại cuộc họp công bố kế hoạch hoạt động của Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã đánh giá cao kết quả của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong những năm qua.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Nguyên Hùng cho biết, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các hoạt động chính như: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Quy mô và phạm vi của chương trình ngày càng mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và tổ chức trong cả nước, tạo ra tác động lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động của chương trình ngày càng phong phú và có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau khi tham gia đã cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế...
Bên cạnh đó truyền thông, thông tin về công nghiệp hỗ trợ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, truyền tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh: Việc triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trong những năm vừa qua đã đem lại những kết quả khả quan và tạo tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội. Công nghiệp hỗ trợ đã giúp phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng xuất siêu ấn tượng của đất nước, từ 2 tỷ USD năm 2017 đến hơn 28 tỷ USD hiện nay. Các đề án hỗ trợ trực tiếp đã giúp các doanh nghiệp sản xuất tự chủ hơn và góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp Việt Nam...
Để triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực, Cục Công nghiệp, đánh giá khách quan và trung thực các đề án, bảo đảm tính hiệu quả và tiết kiệm. Các thành viên cũng cần tham gia đầy đủ các phiên họp và đóng góp ý kiến qua các phiếu đánh giá đối với từng đề án.