Doanh nghiệp - doanh nhân

Cần nhanh chóng xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam

Thu Thuỷ 05/09/2024 10:49

Đây là mong muốn của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.

Tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024 diễn ra sáng 5/9, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 12/2023, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Việc xây dựng Trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

det-may.jpg
Dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn cung, giá cả cạnh tranh…

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may - da giày nhằm chuẩn hóa và minh bạch thị trường giao dịch. Triển khai hoạt động kết nối, giao thương và triển lãm sản phẩm, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may - da giày.

Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may - da giày. Vận hành kênh thông tin cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may - da giày nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), việc thành lập trung tâm sẽ quy tụ được các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày, giúp nhà máy không mất công tìm kiếm; rút ngắn thời gian ra mẫu chào hàng do nhà máy đã chủ động có được nguồn cung ứng sẵn có; chi phí giá cả sẽ cạnh tranh hơn… góp phần khuyến khích các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp trẻ tham gia vào ngành, hỗ trợ trong khâu thiết kế thời trang, thiết kế sinh thái, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Từ đó, hình thành nên thị trường giao dịch nguyên phụ liệu ngành thời trang được chuẩn hóa và minh bạch; hình thành các giao dịch và hoạt động về nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nhằm giúp các doanh nghiệp tiệm cận nhanh tới các công nghệ mới, công nghệ sạch

Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chuyển theo hình thức xuất khẩu cao hơn thay vì gia công chủ yếu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước phát triển, dễ rà soát nguồn gốc, phục vụ ngành thời trang trong nước trước khi vươn ra thế giới… việc hình thành trung tâm là cần thiết.

Tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, da giày- dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới, tuy nhiên giờ đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều nước, đặc biệt những thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh, quy định mới của một số thị trường nhập khẩu. Việc xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang là vấn đề đáng lẽ phải làm từ rất lâu nhưng giờ vẫn chưa làm được. Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành cùng Hiệp hội để phát triển Trung tâm này.

Để đẩy mạnh triển khai nhanh việc xây dựng đề án, tiến tới thành lập Trunng tâm vào năm 2025, Thứ trưởng giao cho Hiệp hội Da giày là cơ quan chủ trì, kết hợp với Hiệp hội Dệt may và các hiệp hội khác viết Đề án rõ ràng hơn. Trong đó chia ra các giai đoạn cụ thể (tiền khả thi, nghiên cứu mô hình, định hướng...) và xác định rõ về thẩm quyền của hiệp hội, các Bộ ngành có liên quan, địa phương. Về nguồn lực, đề nghị Hiệp hội Da giày chủ động. Về cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực cần nghiên cứu rõ và kỹ để đề xuất thêm những chính sách phù hợp.

Thu Thuỷ