Doanh nghiệp - doanh nhân

Hội nghị Quốc tế ngành Da giày-Túi xách (CIFA) - lần thứ 41: Nhấn mạnh vấn đề xanh hóa

Tiến Trung 09/07/2024 10:49

Ngày 09/7/2024 tại Khách sạn Mai House TP. Hồ Chí Minh đã chính thức diễn ra Hội nghị Quốc tế ngành Da giầy (CIFA) lần thứ 41. Hội nghị do Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) đăng cai tổ chức thu hút 17 nước thành viên CIFA và gần 200 doanh nghiệp của LEFASO đến từ các quốc gia tham gia .

Tại hội nghị các đại biểu đã báo cáo, bàn bạc thảo luận, nêu ra những vấn đề cốt lõi, và các giải pháp để phát triển liên quan đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu của ngành da giày. Trong đó vấn đề xanh hóa đã trở thành chủ đề chính.

dsc_1685-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương - Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương - Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Xu hướng xanh hóa đang đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi xanh và hướng đến kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp sẽ bị tụt lại phía sau.

Đồng quan điểm này, đại diện hiệp hội các nhà sản xuất giày dép Đài Loan (Trung Quốc) cũng cho rằng, nếu trước đây điều kiện chi phí nhân công rẻ là yêu cầu hàng đầu từ khách hàng nhưng hiện nay khách hàng đang có những yêu cầu mới về phát triển bền vững. Việc phát triển bền vững không chỉ là một yêu cầu, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp da giày tại Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng cách chuẩn bị sớm và đầu tư vào các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể đối phó với chi phí tăng và đồng thời tạo ra lợi ích lâu dài cho cả môi trường và xã hội.

dsc_1585-1-.jpg
Lãnh đạo các hiệp hội da giày, doanh nghiệp ngành da giày trong tổ chức CIFA và thế giới cần tăng cường hợp tác, tạo ra các kết nối kịp thời, hiệu quả để ổn định chuỗi cung ứng hướng đến phát triển bền vững

Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. năm 2023, một đối tác tại châu Âu đã dịch chuyển khoảng dưới 20% sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến chuyển tiếp 10% trong năm nay. Một khách hàng khác từ Mỹ cũng đang dự tính chuyển đơn hàng sản xuất khoảng 1 triệu đôi giày sang Việt Nam vào năm nay, trong khi tổng sản xuất hàng mỗi năm của họ chỉ từ 18 đến 20 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, để đón đầu thị trường, đơn hàng từ các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, giá thành, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội…

Da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới nên có rất nhiều thách thức trong lộ trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên ông Chủ tịch Hiệp hội Da Giày – Túi Xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, dù chuyển đổi xanh tạo áp lực lớn cho ngành da giày, nhưng các doanh nghiệp đều nhận thấy trách nhiệm xã hội trước xu thế này.

Tiến Trung