Dân tộc thiểu số

Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc

Trần Hương 04/12/2024 17:26

(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...

Những người giữ hồn cho bản

Bản Púng Giắt là bản người Khơ Mú. Cũng chính là quê hương của nữ đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên – Quàng Thị Nguyệt.

Cũng chính mảnh đất này, tôi được gặp nghệ nhân Quàng Thị Dua, là một trong số ít nghệ nhân diễn tấu và chế tác được sáo mũi của người Khơ Mú. Tôi mường tượng đó là một bà cụ già, người nhỏ thó, tinh anh, nhưng không phải. Khi tôi gặp, trước mặt tôi là một người phụ nữ Khơ Mú vóc dáng tầm thước, sức vóc chắc chắn, da màu đồng đun đỏ, khoảng ngoài 50 tuổi. Ở chị toát lên một vẻ hào sảng, hoang dã, mộc mạc như bước ra từ núi rừng. Trong cộng đồng người Khơ Mú, người biết làm sáo mũi, độc tấu sáo mũi như chị không có mấy ai.

Chị bảo: “Tôi học thổi sáo mũi từ mẹ tôi. Bà ấy là 1 người thổi sáo hay nhất bản. Bà hát ru tôi cũng bằng cây sáo mũi và cả thổi Tót tơm – sáo dọc. Năm tôi 16 tuổi, tôi bắt đầu tự học thổi các loại sáo. Lúc đầu thổi rất khó, nhưng tôi vẫn cứ học, cuối cùng cũng biết thổi.” - Nghệ nhân Dua kể.

z6097148874961_18fca1bbf845f601804d3b13686cadd6.jpg
Nghệ nhân sáo mũi Quàng Thị Dua, bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Sáo mũi được làm từ ống tre (tơ la) thẳng, dài hơn nửa mét, loại tre bánh tẻ có độ vang tốt. 2 đầu là 2 đốt mắt để sáo có độ kín hơi. Sau khi phơi trong râm để ống tre khô, đục 2 lỗ nhỏ, 1 lỗ trên dùng thôi hơi vào, 1 lỗ dưới dùng để tạo âm và tiết tấu bằng hơi từ mũi, thao làn điệu dân ca đang hát. Khi diễn tấu người diễn tấu sử dụng một tay, 1 tay bấm vào lỗ ở 1 phía đầu sáo, 1 lỗ sẽ được dùng từ hơi mũi để thổi . Tay còn lại sẽ dùng để múa theo nhịp điệu bài dân ca. Sáo được sử dụng vào các buổi lưu diễn, giao lưu văn nghệ.

Cũng trong cộng đồng người Khơ Mú ở Púng Giắt còn có những người trẻ hàng ngày vẫn lên nương tra ngô, trỉa hạt. Tối về vẫn say sưa tập múa, hát những làn điệu Tơm, tam đao, giao duyên, tra hạt, cầu mưa. Tất cả những gì họ thể hiện còn nguyên vẹn những nét hồn nhiên, bản tính hào sảng, thô mộc khao khát sống vui vẻ chan hòa với rừng với núi, với sông suối chim muông, cây cỏ. Họ hát bất cứ ở đâu, khi thì lên nương, khi xuống chợ, hát khi vui mừng lễ hội, nhà mới, cơm mới… và hát cả khi buồn họ mượn lời bài hát như thể để giãi bày tâm sự với đại ngàn.

Người Khơ Mú có rất nhiều làn điệu dân ca, giai điệu vừa khỏe khắn, hào sảng vừa giàu hình ảnh; tượng hình, tượng thanh như điệu hát Tơm (hát giao duyên).

Lý Thị Duyên, năm nay 28 tuổi, em sinh ra và lớn lên ở Púng Giắt rồi lấy chồng sinh con. Em đảm nhiệm vai trò đội trưởng đội văn nghệ của bản. Em kể: “Đội văn nghệ của em có 16 người, người trẻ tuổi nhất là em Lý Thị Cúc năm nay 19 tuổi. Chúng em hàng ngày vẫn lên nương, vẫn tập múa hát những bài dân ca và màn múa của dân tộc mình. Mỗi khi bản có việc trọng đại hay trên xã, trên huyện tổ chức các sự kiện được mời đội văn nghệ chúng em đều tham gia hết. Thậm chí cả những khi ở tỉnh tổ chức Lễ hội Hoa ban, hát múa trong khu trưng bày không gian văn hóa vùng cao, chúng em đều tham gia hăng hái, nhiệt tình coi đó vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm quảng bá du lịch, hình ảnh, văn hóa dân tộc Khơ Mú chúng em đến với cộng đồng người Việt và du khách.

z6097149442205_5f9889ae82989b16fdb70aa7f6cd9d0a.jpg
Lý Thị Duyên, (người ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên đội văn nghệ bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà.

Những bài hát, làn điệu múa chúng em tự sáng tác ca từ cho phù hợp với bối cảnh và tự dàn dựng, biên đạo múa cho phù hợp. Sau mỗi tiết mục dàn dựng xong thì mời các người già, nghệ nhân của bản ngồi xem rồi góp ý cho chúng em, chỉnh sửa cho chúng em. Và mỗi một tiết mục, chúng em dàn dựng đều phải bám sát vào chất liệu đặc trưng của người Khơ Mú; lời ca câu từ trong sáng, giàu hình ảnh, làn điệu múa khỏe khắn, vui tươi. Đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên tring một tiết mục được thể hiện như một cộng đồng người Khơ Mú, cùng vui vẻ, chan hòa.”

Nhiệt huyết đi lên từ phong trào của bản

Chen ngang những câu chuyện vui vẻ, nhiệt huyết ấy, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, Lò Văn Hòa, bảo: Anh cũng là người dân tộc Khơ Mú, ở bản Khơ Mú. Lâu nay bản Khơ Mú của anh bà con tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ rất nhiệt tình, sôi nổi và được đánh giá là bản có phong trào dân ca, dân vũ mạnh nhất huyện Mường Chà. Hiện tại, bản Púng Giắt có 2 đội văn nghệ, 1 đội của các em đây còn 1 đội nữa là của những người già, cao tuổi. Năm nào họ cũng được trưng tập đi biểu diễn từ xã đến huyện, đến tỉnh. Và đội văn nghệ của bản cũng vừa đi tham gia biểu diễn trên huyện nhân dịp Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc.

Đội văn nghệ bản Púng Giắt chỉ cần được trưng tập là mọi người từ nam thanh, nữ tú, người già đều hăng hái động viên con em, sẵn sàng gánh vác, đảm nhiệm thay những công việc nương rãy để chị, em có thời gian sáng tác, biên đạo, luyện tập đi biểu diễn. Kể cả những khi mùa vụ, thu hoạch nông sản trên nương hay tra ngô, trỉa hạt...

z6097151156850_e5222ea3a9f687c649b750f611008625.jpg

Anh Hòa cũng cho biết thêm: Đến tận bây giờ bản anh vẫn chưa có nhà văn hóa cho bà con sinh hoạt. Nhất là những khi chị em tập văn nghệ, tổ chức các buổi họp bản đều phải ngồi dưới gầm sàn nhà trưởng bản hoặc nhà của đội trưởng...Nghe đâu đã được đưa vào giai đoạn trung hạn đầu tư công 2026 – 2030. Vì giai đoạn trước bản chưa bố trí được đất để xây.

Còn đối việc hỗ trợ đội văn nghệ thôn bản thì xã anh Hòa cũng như hầu hết các xã không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ ngoài mức hỗ trợ 4 triệu đồng/năm do tỉnh cấp. Hỗ trợ theo định mức, quy định của Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh Điện Biên, quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động văn nghệ cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

“Nếu tới đây được tiền hỗ trợ 4 triệu đồng, chúng em sẽ để dành mua trang phục biểu diễn. Rất nhiều năm qua, chúng em chỉ có duy nhất 1 bộ trang phục, mặc đi mặc lại nhiều lần, cũ cả rồi.” - Duyên kể.

z6097230226156_e33abc4c9854b7fb84e269ed1a48e987.jpg
Tiết mục do đội văn nghệ bản Púng Giắt biểu diễn

Mỗi bộ trang phục như của Duyên và các thành viên trong đội đang mặc có giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Tất cả đều được làm bằng thủ công và tiền xu đồng bạc khâu viền áo để trang trí, gồm áo, váy và khăn mũ.

Hôm nay từ rất sớm, nghe lãnh đạo xã báo tin có phóng viên về phỏng vấn. Các chị em trong đội văn nghệ của bản đã nghỉ đi nương trang điểm để chờ… Khi chúng tôi đặt chân đến bản mặt trời đã đứng bóng, một số chị em tranh thủ về ăn cơm rồi lại bê ghế ngồi chờ. Tôi áy náy vì để họ chờ lâu. Nhìn vào những khuôn mặt trang điểm phấn trắng lem nhem, cách tô son tô vụng về đỏ đậm, những đôi bàn chân thô kệch gót nứt nẻ, bắp tay to khỏe và thô ráp…ánh mắt, nụ cười còn nguyên nét hồn nhiên của bản để thấy lòng nhiệt huyết và sự vô tư trong mỗi người " nghệ sỹ núi rừng"…

z6097230219752_40c531bd60708105172ee491e43f8ffe.jpg
Sau giờ biểu diễn

Những khuôn mặt sạm nắng và đôi bàn tay chai sạn, nhưng khi bước lên sân khấu, hóa thân thành những vũ công khỏe khoắn, mạnh mẽ, duyên dáng thì ở họ thực sự đã toát lên hồn dân tộc... có gì đó rất riêng, rất Khơ Mú… không thể trộn lẫn với bất cứ làn điệu dân vũ nào của các dân tộc khác. Họ đã thành công khi thổi hồn dân tộc mình vào nghệ thuật.

Và cũng chỉ có người Khơ Mú, là số dân tộc rất ít ở Tây Bắc còn giữ được nét hồn nhiên, hào sảng, thuần phác của người dân tộc mình. Trong khi rất nhiều các dân tộc khác hiện đang bị lai căng từ trang phục cho đến cách sống của giới trẻ. Cơ chế thị trường dường như đã len lỏi vào khắp các bản làng… nhìn một bộ phận lớp trẻ vùng cao bây giờ không còn phân biệt ra đâu là người miền núi.

Những người trẻ như các thành viên trong đội văn nghệ của Lý Thị Duyên, nghệ nhân Quàng Thị Dua, bản Púng Giắt vẫn còn giữ được nét hồn nhiên, thuần phác và ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc mình, là chất liệu làm nên hồn cốt của người Khơ Mú nơi vùng cao Tây Bắc thật trân quý nhường nào....

Trần Hương