Môi trường

Tăng cường giám sát kháng thuốc trong môi trường

Khánh Ly 04/12/2024 15:10

(TN&MT) - Nhằm triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường.

Dự thảo đầu tiên của Đề án đã được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ tại Cuộc họp kỹ thuật góp ý lần đầu, diễn ra ngày 4/12, tại Hà Nội. Tham dự có đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường 3 miền Bắc, Trung, Nam; Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y TƯ I; đại diện nhóm tư vấn dự án cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

untitled.png
Các mục tiêu cụ thể trong dự thảo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm) cho biết, dự thảo bản đầu tiên do Nhóm tư vấn và Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện, với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming và Tổ chức FHI 360. Dự thảo đã đưa ra mục tiêu trong 5 năm tới và chỉ rõ các chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ và hành động triển khai từ nay đến năm 2030.

_mg_2063.jpg
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm) phát biểu tại cuộc họp

Đề án sẽ giúp tăng cường năng lực thực thi các hoạt động giám sát kháng thuốc trong môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện các nghiên cứu, tuyên truyền, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của vi khuẩn kháng thuốc và dư lượng kháng sinh tồn dư tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc xây dựng cơ chế phối hợp chung, liên ngành về giám sát kháng thuốc cũng sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Giới thiệu về nội dung Dự thảo đề án, ông Trần Quang Toàn - Đại diện Nhóm tư vấn cho biết: Trong giai đoạn 2025 – 2030, Đề án đưa ra 5 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Thúc đẩy xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên ngành trong quản lý, giám sát phòng, chống kháng thuốc; Nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện giám sát về kháng thuốc trong môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và mạng lưới quan trắc môi trường; Bước đầu lựa chọn một số vi khuẩn kháng thuốc để thực hiện giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường; Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường; Khuyến khích nghiên cứu, hợp tác và phát triển, huy động các nguồn lực hỗ trợ giám sát kháng thuốc trong môi trường.

_mg_2101.jpg
Ông Trần Quang Toàn - Đại diện Nhóm tư vấn giới thiệu về Dự thảo Đề án

Định hướng sau 2030, trọng tâm là các hoạt động, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát Quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát trong nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thực thi pháp luật liên quan đến giám sát kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật.

Dự thảo Đề án cũng bao gồm danh mục 14 nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực hiện và phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường, khoa học và công nghệ; huy động hợp tác quốc tế, khu vực tư nhân và khuyến khích các tổ chức, đối tác phát triển tài trợ.

_mg_2106.jpg
Ông Dieter Bulach, chuyên gia đến từ Đại học Melbourne, đại diện AMROH SEA, Quỹ Fleming chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc và chương trình giám sát quốc gia

Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý giám sát kháng thuốc trong môi trường, kinh nghiệm trong xây dựng Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc và chương trình giám sát quốc gia trong môi trường. Các chuyên gia cũng trao đổi, góp ý các định hướng, phương pháp chính, nguyên tắc trọng tâm phù hợp với Việt Nam nhằm hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.

Các ý kiến nhấn mạnh việc thiết lập một mạng lưới cùng thực hiện và chia sẻ thông tin liên ngành môi trường – y tế - nông nghiệp trong giai đoạn tới rất cần thiết. Nhóm tư vấn cần thực hiện những đánh giá bước đầu, tìm kiếm thêm các nguồn lực và giải pháp, nâng cao năng lực trong công tác quản lý các nguồn thải và đánh giá các thành phần môi trường có sự hiện diện của dư lượng của kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc; thực hiện các chương trình đánh giá tổng quan về hiện trạng, các hoạt động giám sát kháng thuốc; các chương trình truyền thông, tuyên truyền trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

_mg_2118.jpg
Các đại biểu tham gia cuộc họp

Giới thiệu dự thảo Hướng dẫn triển khai thí điểm giám sát trong môi trường, ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng Nhóm kỹ thuât, Dự án Fleming, FHI 360 cho biết: Hoạt động thí điểm nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Quốc gia Fleming Giai đoạn II. Đây là cơ sở để hoàn thiện quy trình lấy mẫu tại thực địa, quy trình xử lý và xét nghiệm vi khuẩn kháng thuốc mẫu môi trường. Việc thí điểm cũng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phòng xét nghiệm vi sinh môi trường trong xét nghiệm vi khuẩn kháng thuốc, và tăng cường hợp tác với phòng xét nghiệm các lĩnh vực thú y, y tế. Bước đầu đánh giá mức độ kháng kháng sinh của E. coli trong một số mẫu môi trường.

Dự kiến trong tháng 12/2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ ban hành Kế hoạch thí điểm giám sát vi sinh vật kháng thuốc trong môi trường và triển khai từ tháng 1 – 9/2025.

Khánh Ly