Bạn đọc - Pháp luật

Tiếp bài “Long đong “phận sứa” trên đảo Cô Tô”: Tại sao chính quyền cấm người dân vẫn làm?

Doãn Xuân 04/12/2024 14:26

Chính quyền cấm, không gia hạn thuê đất, không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… nhưng nhiều chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa ở Thị trấn Cô Tô vẫn “liều” tiến hành cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho vụ chế biến sứa năm 2024 – 2025.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng loạt bài "Long đong “phận sứa” trên đảo Cô Tô", phản ánh thực trạng hàng chục cơ sở thu mua và sơ chế sứa ở Thị trấn Cô Tô, xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô đầu tư hàng tỷ đồng vào cơ sở vật chất, hạ tầng nhưng có nguy cơ phá sản. Vụ chế biến sứa năm 2024 – 2025 đã bắt đầu vào tháng 12 dương lịch hằng năm và kết thúc tháng 3 năm sau.

Mặc dù trong Văn bản số 826/UBND-TNMT ngày 26/4/2024 UBND huyện Cô Tô có trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch, huyện Cô Tô đang triển khai các bước để sắp xếp, bố trí lại các cơ sở sản xuất sứa cho phù hợp, thời gian hoàn thành phải đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định (dự kiến năm 2024 phấn đấu: Lập, phê duyệt Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp).

anh-1.jpg
Công an huyện Cô Tô tiến hành kiểm tra hành chính tại các hộ chế biến sứa ở Thị trấn Cô Tô - Ảnh: quangninh.gov.vn

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự kiến trên vẫn còn nằm trên giấy?! Trong khi đó, nhiều cơ sở thu mua, chế biến sứa ở Thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân đã tập kết vật liệu: Gạch, xi măng, sắt thép, nhân lực… tiến hành cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho mùa thu mua, chế biến sứa năm 2024 – 2025.

Được biết, UBND huyện Cô Tô, UBND Thị trấn Cô Tô đã ra nhiều văn bản, thông báo đề nghị các chủ cơ sở chế biến sứa phải tự dỡ bỏ, di dời tài sản ra khỏi khu đất để trả mặt bằng cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, không biết bằng “phép màu” nào đó, nhiều cơ sở đã hết thời hạn thuê đất từ lâu, không có giấy phép hoạt động, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm… nhưng vẫn ngang nhiên tiến hành cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp tục thu mua, chế biến sứa. Theo nguồn tin phóng viên biết được, mấy ngày nay, một số cơ sở đã bắt đầu thu mua sứa nguyên liệu và tiến hành chế biến sứa.

anh-2.jpg
Nhiều chủ cơ sở chế biến sứa đang khẩn trương cải tạo, xây dựng lại cơ sở vật chất để chuẩn bị cho mùa chế biến 2024 - 2025

Ngay sau khi phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh thực trạng trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Cô Tô đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành kiểm tra thông tin.

Qua kiểm tra, Công an huyện Cô Tô đã ghi nhận 11 sở sản xuất chế biến sứa đang tiến hành cải tạo, sửa chữa nhà xưởng. Có 10/11 cơ sở không xuất trình được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/hợp đồng thuê đất hoặc có xuất trình được nhưng đã hết hạn và không còn giá trị pháp lý. Duy nhất một cơ sở còn thời hạn hoạt động đến năm 2026. Như vậy có thể thấy, trong khi chính quyền chưa thể lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp (trong đó có quỹ đất dành cho các cơ sở chế biến sứa - pv) hoặc dứt điểm xóa bỏ nghề chế biến sứa trên đảo Cô Tô thì các chủ cơ sở này vẫn ngang nhiên thách thức chính quyền, cố tình làm trái quy định mặc dù họ biết được nguy cơ rủi ro và mất trắng tiền của rất cao.

anh-3.jpg
anh-4.jpg
Hiện trường ngổn ngang

Một chủ cơ sở chế biến sứa tại Thị trấn Cô Tô (xin giấu tên), chia sẻ: Thà chính quyền cấm hết, bắt dừng hết mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua, chế biến sứa và ra thông báo huyện và tỉnh Quảng Ninh không có chủ trương quy hoạch và dành quỹ đất cho cơ sở chế biến sứa. Nói thật, dân đau một lần rồi thôi. Đằng này một mặt họ ra văn bản cấm, rà soát… mặt khác lại im lặng khó hiểu trước việc tiến hành tập kết vật liệu, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho vụ chế biến sứa sắp tới, khiến chúng tôi hoang mang và lo lắng vô cùng. Lo lắng vì không biết có được làm hay không, nếu đầu tư tiền của, ký hợp đồng thuê khoán nhân công, thậm chí nhận lời, ký kết cung cấp sản phẩm sứa muối cho đối tác, khi đó chính quyền không cho làm thì sao? Chúng tôi lại rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan và vướng vào nợ nần, vi phạm hợp đồng với đối tác.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Quan điểm của Ngành nông nghiệp là bố trí sắp xếp và sau này quản lý là do địa phương chủ động, cấp trên không can thiệp. Bản thân ngành khai thác và chế biến sứa nó không phải là ngành chủ lực vì nó mang tính mùa vụ, không thích hợp đầu tư khai thác. Vì sao, vì năm trước có năm sau lại không có, năm nhiều năm lại ít. Trong khi thị trường bấp bênh, ở Cô Tô gần như không có chế biến sâu mà chỉ chế biến sứa muối thô.

anh-5.jpg
Các chủ cơ sở chế biến sứa đang tiến hành xây dựng, cải tạo mặc dù chính quyền huyện Cô Tô biết rất rõ nhưng vẫn làm ngơ và không có biện pháp ngăn chặn sai phạm

Ông Nghị cho biết thêm: Các hộ chế biến sứa thuộc thẩm quyền huyện quản lý. Vấn đề này cử tri kiến nghị nhiều rồi. Tỉnh Quảng Ninh hướng đến khai thác bền vững, hướng đến nghề nuôi biển, bảo tồn bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nên chăng Cô Tô nên định hướng nuôi trồng thủy sản biển thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn nguyện vọng của người dân thì nên làm việc với chính quyền địa phương cho rõ ràng và ngược lại chính quyền cũng thế. Tôi nghĩ, địa phương cần kiên quyết, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, chế biến sứa theo quy hoạch, tránh để phát sinh sai phạm.

Doãn Xuân