Xã hội

Điện Biên: Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch cộng đồng

Hoàng Châu 04/12/2024 - 14:16

(TN&MT) - Phát huy lợi thế loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản của đồng bào dân tộc, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Bản Ten, U Va, Phiêng Lơi, Mển, Him Lam 2 để xây dựng mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa…

w-20240411-114742-747.jpg
Môi trường cảnh quan luôn được bà con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

Điển hình các điểm: Du lịch cộng đồng bản Phiêng Lơi, bản Che Căn (thành phố Điện Biên Phủ; điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ); điểm du lịch cộng đồng bản Tả Khố Khừ (huyện Mường Nhé); điểm du lịch cộng đồng bản Quang Chiên, bản Nậm Cản, bản Bắc 2 (thị xã Mường Lay); điểm du lịch cộng đồng bản Có, bản Lồng, bản Sáng (huyện Tuần Giáo); điểm du lịch cộng đồng bản Nậm Cứm, Ẳng Cang (huyện Mường Ảng)...

Tại mô hình du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là điểm đến thu hút khách trong nước, quốc tế. Chị Thùng Thị Lâm, thành viên Tổ du lịch cộng đồng bản Nà Sự, cho biết: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, gắn với người dân tộc Thái trắng ở Tây Bắc, chúng tôi sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương để làm đồ dùng, dụng cụ phục vụ ăn, ngủ, vui chơi của du khách như: cốc nước, mâm, ghế, bàn… đều làm từ cây tre, cây giang trong rừng. Toàn bộ đá làm nền đường, đá xếp tường rào đều do bà con trong bản ra suối lấy từng viên đem về.

z3808527111703_8175f48d7ec5358d2d982a6eeb123e2a.jpg
Đoàn thanh niên và bà con bản Nà Sự xếp đá làm đường

Đồng thời, các hộ đăng ký mô hình Homestay toàn bộ trâu bò, vật nuôi đưa ra xa khu nhà ở. Môi trường, cảnh quan luôn được bà con giữ gìn, vệ sinh. Hộ dân nào cũng có ý thức tự tô điểm cho ngôi nhà bằng hàng rào cây xanh hay giàn hoa giấy rực rỡ. Bản được quy hoạch mới, gọn gàng, xanh - sạch - đẹp nhưng vẫn giữ được không gian truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.

Nhiều phong trào do người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để thực hiện cải tạo lại môi trường sống như: trồng 1.200 cây hoa ban, xây dựng 106 lò đốt rác thải sinh hoạt… Khu vực cầu treo, có nhiều cọn nước truyền thống của người Thái tạo điểm nhấn và đặc trưng cho bản Nà Sự.

Có thể thấy, du lịch cộng đồng hướng đến sự thân thiện môi trường. Du khách được trải nghiệm đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của bà con dân tộc một cách chân thực nhất.

Hoàng Châu