Bạn đọc - Pháp luật

Cần chế tài mạnh xử lý hành vi "phá hoại" các phiên đấu giá đất

Thùy Linh 04/12/2024 09:41

(TN&MT) - Để không xảy ra hành vi phá hoại các phiên đấu giá đất, các cơ quan chức năng cần siết chặt các quy định về hoạt động đấu thầu, đấu giá. Đồng thời, cần tăng cường thêm các chế tài xử lý vi phạm và tội phạm liên quan đến vi phạm quy định về đấu giá.

Ngày 03/12/2024, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân, về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, được quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các đối tượng nay đã cùng nhau cấu kết nhằm phá hoại phiên đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) vừa được tổ chức ngày 29/11, gây xôn xao dư luận.

b558f925-cc11-4356-a4ef-455c27537963-5219.jpg
Các đối tượng bị tạm giữ. Ảnh: CAHN

Theo báo cáo của cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội, các đối tượng này đã lợi dụng các quy định về đấu giá 6 vòng bắt buộc và trả tăng giá lên, mua hồ sơ 58 thửa đất để tham gia đấu giá, và hoạch định giá trúng đấu giá là bao nhiêu? Sau đó, chia để ra cho 6 người để tham gia quá trình đấu giá. Quá trình đấu giá, các đối tượng đã xây dựng giá dự kiến trước. Tuy nhiên, đến vòng đấu giá thứ 4 có người bỏ trúng đấu giá cao hơn dự kiến sẽ trúng đấu giá, sang vòng 5 sẽ bỏ giá cao hẳn lên, để không ai trúng đấu giá được nữa, đến vòng thứ 6 là bỏ và dừng trả giá ở vòng cuối cùng.

Với thủ đoạn này, các đối tượng không mất tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá và đồng thời phiên đấu giá không thành công, buộc phải tổ chức đấu giá lại. Đối tượng hi vọng sẽ tiếp tục được tham gia vào các cuộc đấu giá tiếp theo. Việc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội cho biết, trong bộ luật hình sự 2015 đã có các quy định về tội danh vi phạm các quy định về đấu giá. Điều 218 Bộ luật hình sự quy định hành vi khách quan thông đồng nâng giá, dìm giá làm sai lệch kết quả đấu giá. Hiện nay thực tế diễn ra, các đối tượng thực hiện hành vi này dẫn đến ảnh hưởng đến phiên đấu giá. Với chế tài hiện nay chưa chặt chẽ để xử lý các đối tượng này. Việc các đối tượng đã lợi dụng việc này và cơ quan điều tra chứng minh hành vi thông đồng, bàn bạc lúc đó đối tượng cấu thành hành vi. Vì vậy, để ngăn chặn việc này, cơ quan chức năng cần siết chặt các quy định về hoạt động đấu thầu, đấu giá. Đồng thời, cần tăng cường thêm các chế tài xử lý vi phạm và tội phạm liên quan đến vi phạm quy định về đấu giá.

Theo Công an TP Hà Nội, việc Phạm Ngọc Tuấn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm), dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Trước đó, sáng 29/11, huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 lô đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. 58 thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích 90-224m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2.

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất.

Bên cạnh đó, Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất, Nguyễn Thế Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất.

Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá và 22 thửa đất khách hàng trả giá.

Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỷ đồng.

Thùy Linh