Khoáng sản

Phú Thọ: Tháo gỡ vướng mắc trong lựa chọn phương tiện, thiết bị khai thác tại các mỏ cát

Phạm Thiệu 03/12/2024 - 17:10

(TN&MT) – UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức xác định tỷ lệ phần trăm sản lượng cát khai thác thực tế so với khả năng khai thác được ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm của phương tiện khai thác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 30/8/2024, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 3601/UBND-NNTN về việc tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác của các đơn vị đã được cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông đang sử dụng các thiết bị, phương tiện khai thác có công suất khai thác không phù hợp, công suất lớn hơn so với công suất thiết bị, phương tiện khai thác theo thiết kế được Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt, lựa chọn thiết bị, phương tiện đúng theo hồ sơ thiết kế khai thác đã được thẩm định.

Ngày 3/10/2024, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục ban hành Văn bản số 4191/UBND-NNTN về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình lựa chọn thiết bị, phương tiện khai thác, điều chỉnh chế độ làm việc đảm bảo phù hợp với công suất khai thác tại các mỏ cát trên các tuyến sông Hồng và sông Đà.

anh-2.jpg
Vẫn còn vướng mắc trong lựa chọn thiết bị, phương tiện khai thác đảm bảo phù hợp với công suất khai thác tại các mỏ cát

Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và Vận tải, UBND cấp huyện nơi có mỏ và đơn vị được cấp phép khai thác tổ chức xác định công suất khai thác thực tế của phương tiện khai thác, xác định tỷ lệ phần trăm sản lượng cát khai thác thực tế so với khả năng khai thác được ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm của phương tiện khai thác.

Trên cơ sở tỷ lệ phần trăm sản lượng cát khai thác thực tế so với khả năng khai thác được ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm của phương tiện khai thác, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông và Vận tải cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn, thẩm định hồ sơ phương án điều chỉnh nội dung “Đồng bộ thiết bị chính phục vụ khai thác”. Việc “Đồng bộ thiết bị chính phục vụ khai thác” được tính toán trên cơ sở lựa chọn chủng loại thiết bị, phương tiện khai thác dự kiến sử dụng (thiết bị, phương tiện phải có đặc tính kỹ thuật cụ thể), chế độ làm việc của mỏ theo điều kiện khai thác thực tế để xác định số lượng thiết bị, phương tiện cần sử dụng đảm bảo phù hợp với công suất khai thác hàng năm của mỏ đã được cấp phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ điều chỉnh của Sở Xây dựng, thông báo cho phép khai thác trở lại đối với đơn vị đủ điều kiện hoạt động khai thác; yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát phương tiện khai thác đầy đủ, đảm bảo kết nối ổn định với hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản của tỉnh để theo dõi, giám sát được khối lượng khai thác.

Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Khắc Định, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết: “Một trong những vướng mắc lớn hiện nay trong vấn đề khai thác cát là độ vênh giữa công suất hút cát và sản lượng khai thác thực tế. Hiện nay, công suất hút cát của các tàu hút (gồm nước, cát, bùn, rác thải …) chỉ được ghi chung chung. Giả sử công suất được phép khai thác là 50 m3/ngày nhưng sản lượng khai thác cát thực tế không thể được 50 m3/ngày (do phải trừ nước, bùn, rác thải …). Đó là chưa kể mỗi một khu vực khác nhau lại cho ra sản lượng khai thác cát thực tế khác nhau. Vì thế hiện nay chưa có thông số nào để tính được sản lượng khai thác cát thực tế là bao nhiêu cả. Vì thế UBND tỉnh Phú Thọ mới yêu cầu các mỏ tạm dừng khai thác để cơ quan chức năng rà soát, thẩm định lại cho phù hợp”.

anh-4.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ điều chỉnh của Sở Xây dựng, thông báo cho phép khai thác trở lại đối với đơn vị đủ điều kiện hoạt động khai thác

Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Khắc Định là công tác kiểm soát công suất khai thác cát. Hầu hết việc khai thác này không được đăng ký, đăng kiểm nên gây khó khăn cho việc đối chiếu với giấy phép khai thác. “Từ cuối năm 2023 đến nay, Phú Thọ yêu cầu tất cả các phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm để làm căn cứ đối chiếu với công suất khai thác được cấp trong giấy phép khai thác. Tất cả dữ liệu tại mỏ đều được truyền 24/24 về hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản của tỉnh đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường” – Ông Định nói.

Trao đổi thêm về tiến độ rà soát, thẩm định các thiết bị, phương tiện khai thác có công suất khai thác không phù hợp, công suất lớn hơn so với công suất thiết kế, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Hiện nay tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Xây dựng chủ trì nội dung này và công việc vẫn đang được tích cực triển khai. Theo thông tin tôi được biết, hiện nay Sở Xây dựng đã thẩm định xong 19 đơn vị và chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả thẩm định đó để thông báo cho phép khai thác trở lại đối với đơn vị đủ điều kiện hoạt động khai thác”.

Phạm Thiệu