Kinh tế

TP.HCM quyết liệt chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng

Hà Duyên 03/12/2024 - 13:54

(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản phân công các thành viên Thường trực UBND theo dõi, chỉ đạo xử lý các dự án tồn đọng trên địa bàn một cách hiệu quả.

Nhằm khắc phục tình trạng lãng phí và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án trọng điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản phân công các thành viên Thường trực UBND theo dõi, chỉ đạo xử lý các dự án tồn đọng.

Đây là động thái quan trọng nhằm thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, dừng thi công, hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Theo Kế hoạch số 7307/KH-UBND ngày 18/11/2024, các biện pháp tập trung giải quyết sẽ được triển khai đồng bộ trong tháng 12/2024. Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, các tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án giải quyết ngập do triều cường, và công viên Sài Gòn Safari ở Củ Chi. Đây là những dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

du-an-ton-dong.jpg
Dự án Vành đai 2 TPHCM - đoạn từ nút giao Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng dừng thi công 4 năm. Ảnh minh họa.

Đồng thời, các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng được giao nhiệm vụ giám sát, chỉ đạo cụ thể từng nhóm dự án. Cụ thể như các khu đất gây tranh cãi tại trung tâm Quận 1 như: số 8-12 Lê Duẩn, 2-4-6 Hai Bà Trưng; Các Khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1 + 2, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Láng Le - Bàu Cò; Dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ (89,74 ha); Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, Quốc lộ 1 (Văn Phú - Bắc Ái)...

Cùng với các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm, các dự án cải tạo cơ sở văn hóa, nghệ thuật cũng được chú trọng. Một trong những vấn đề nổi bật là kế hoạch nâng cấp 10/12 sân khấu nghệ thuật hiện chưa đủ điều kiện tổ chức biểu diễn, gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất. Điển hình là rạp Công Nhân (số 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1) và trụ sở cũ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội (243 Lý Tự Trọng, Quận 1).

Đây là những địa điểm mang giá trị văn hóa lịch sử nhưng đang bị xuống cấp hoặc sử dụng không hiệu quả. Thành phố đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các cơ sở này để phát huy giá trị, phục vụ đời sống văn hóa cho người dân.

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn chỉ đạo rà soát toàn diện các khu đất, trụ sở, và dự án không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Các trường hợp đất trống sẽ được sắp xếp lại hoặc đề xuất đấu giá công khai nhằm tăng nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng thất thoát tài sản công.

Không chỉ tập trung vào các dự án đã chậm tiến độ, thành phố còn đặt mục tiêu xử lý những vướng mắc pháp lý, tài chính liên quan đến các dự án đầu tư công và BT (xây dựng - chuyển giao). Việc phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên Thường trực UBND TP.HCM không chỉ đảm bảo sự giám sát chặt chẽ mà còn tạo động lực để các dự án sớm được triển khai và đưa vào sử dụng.

Việc giải quyết các dự án tồn đọng không chỉ giúp TP.HCM phát huy hiệu quả sử dụng đất và nguồn lực mà còn góp phần cải thiện diện mạo đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây được xem là bước tiến quan trọng để TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trước đó, trong tháng 11/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công để triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát.

Hà Duyên