Biến đổi khí hậu

Hậu Giang: Linh hoạt thích ứng biến đổi khí hậu

Lê Hùng 03/12/2024 - 12:53

(TN&MT) - Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn,... do biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trước thực tế đó, các cấp chính quyền và người dân địa phương đã và đang chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện các giải pháp để ứng phó, thích ứng kịp thời.

Trước đây, vào mùa khô hàng năm, Hậu Giang là một trong những địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Mặc dù mùa khô 2023 - 2024, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra tại địa phương này rất gay gắt, nhưng theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua không gây thiệt hại về diện tích cây trồng của người dân, còn về nguồn nước sinh hoạt vẫn luôn được đảm bảo ngay cả trong những ngày nắng nóng gay gắt, độ mặn tại một số khu vực sông, kênh rạch lên cao.

6e.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang tăng cường điều chỉnh quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và ứng phó, thích ứng với BĐKH

Để có được kết quả này, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Hậu Giang đã luôn chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó, thích ứng hiệu quả với BĐKH, Trong đó, tỉnh Hậu Giang tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ xuống giống né hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nạo vét kênh rạch, xây dựng hồ để lưu chứa nước; đầu tư hệ thống đê bao, cống ngăn mặn tại những khu vực trọng yếu; xây dựng các tuyến đê kè kiên cố và tăng cường trồng cây ven các sông, kênh rạch để hạn chế sạt lở; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao và phù hợp với sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ; khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản để thích ứng với BĐKH.

Đối với người dân Hậu Giang, rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, họ cũng đã chủ động, linh hoạt hơn trong ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở thông qua việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chọn các loại cây chịu mặn, ít sử dụng nước để sản xuất, tận dụng nguồn nước mặn để thả nuôi thủy sản, trang bị lu, kiệu tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, trồng cây xanh, dùng tre, dừa,... làm bờ kè sinh thái.

Huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là vùng đất thường xuyên bị xâm nhập mặn từ biển Tây gây rất nhiều khó khăn cho quá trình canh tác lúa, cây màu cũng như nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân. Để giúp người dân thích ứng với xâm nhập mặn, đảm bảo thu nhập, trong khoảng 4 năm trở lại đây, huyện Long Mỹ đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha đất chuyên canh lúa sang mô hình lúa - tôm hoặc trồng cây màu ngắn ngày, qua đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn thích ứng tốt với hạn hán, xâm nhập mặn. Tính lũy kế đến nay, huyện Long Mỹ đã có gần 100 hộ dân thực hiện mô hình tôm - lúa với tổng diện tích 117ha; đồng thời, hàng trăm ha đất trồng lúa đã chuyển qua trồng cây màu ngắn ngày như dưa lê, đậu bắp, mướp hương, bầu, bí.

Trước đây, khi bước vào thời điểm mùa khô, ông Trần Bảo Bình và nhiều người dân khác ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, Long Mỹ thường lo lắng thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Song, vài năm nay với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ông Bình đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, điều này đã giúp gia đình ông Bình nâng cao thu nhập, thích ứng tốt với điều kiện nguồn nước hiện có.

Gia đình ông Trương Văn Hải ở ấp 9, xã Lương tâm, Long Mỹ đã chuyển hẳn 5 công đất chuyên trồng lúa sang luân canh cây màu 3 vụ/năm. "Hiện thời tiết, nguồn nước thay đổi thất thường nên trồng luân canh cây màu ngắn ngày có nhiều cái lợi cho người nông dân như ít tốn công, ít sử dụng nước, lợi nhuân thu được cao hơn so với trồng lúa và điều quan trọng là không phải lo sợ hạn hán hay xâm nhập mặn như trước đây nữa" - ông Hải cho biết.

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: Để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian tới, huyện Long Mỹ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lúa - tôm theo hướng mặn đến đâu thì hỗ trợ, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích nuôi đến đó; chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả do ảnh hưởng bởi hạn, mặn sang trồng cây màu đảm bảo thu nhập cho người dân; đồng thời huyện cũng sẽ tăng cường điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, huyện Long Mỹ cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy hoạch của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình, dự án nhằm nâng cao năng lực ứng phó BĐKH trên địa bàn huyện.

Lê Hùng