Môi trường

Nâng cao chuỗi giá trị cây sắn gắn với bảo vệ môi trường tại Sơn La:Bài 2: Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga 30/11/2024 - 16:12

(TN&MT) - Niên vụ 2024-2025, Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La đi vào hoạt động từ ngày 28/10/2024, dự kiến thu mua 170.000 tấn sắn tươi, chế biến khoảng 46.000 tấn tinh bột sắn thành phẩm.

Là 1 trong 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La, Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín với công nghệ hiện đại, tự động của các nước châu Âu. Hiện, Nhà máy chế biến nông sản BHL đang vận hành 1 dây chuyền sản xuất tinh bột sắn công suất 48.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương 300 tấn tinh bột sắn/ngày; 1 dây chuyền máy ép bã sắn công suất 50 tấn/ngày đêm.

z6083900473431_cb8b506c17264eb2a40d2c6bc9cb10c6.jpg
Dây chuyền sản xuất tinh bột sắn tại Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La.

Trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu sắn tươi đầu vào đến các khâu như: Bóc vỏ, rửa sạch, băm, nghiền, tách bã, co bột, tách nước thành bột và đóng gói thành phẩm… đều được vận hành nghiêm theo dây chuyền khép kín nhập khẩu từ châu Âu. Các công đoạn được cung cấp bởi các đơn vị uy tín trong, ngoài nước và được kiểm tra nghiêm ngặt theo đúng quy định sản xuất thực phẩm.

Đặc biệt, xác định công đoạn “tách mủ” là quan trọng nhất, bởi yếu tố công nghệ sẽ quyết định chất lượng sản phẩm, Công ty đã lựa chọn công nghệ “tách mủ” hiện đại nhất của hãng ALFA LAVAL (Thụy Điển). Tuy chi phí cao hơn một số thiết bị khác, song đây là công nghệ tiêu hao ít điện, không dùng hóa chất, có tính ổn định, sản phẩm tinh bột thu hồi có chất lượng cao, ít tạp chất.

Song hành cùng hoạt động sản xuất, công tác bảo vệ môi trường luôn được đơn vị quan tâm triển khai. Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Đầu tư nâng công suất sản xuất tinh bột sắn từ 200 tấn SP/24h lên 300 tấn SP/24h; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành Dự án; được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định.

z6083900465669_b3336fb9895df798eba44a6c1a58d613.jpg
Niên vụ 2024-2025, Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La dự kiến chế biến khoảng 46.000 tấn tinh bột sắn thành phẩm.

Đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 4.000m3/ngày đêm trên diện tích 7,4ha, bao gồm hệ thống các bể và cụm hồ xử lý bằng bê tông cốt thép. Hệ thống sử dụng phương pháp sinh học kết hợp hóa lý bùn hoạt tính và công nghệ sinh học yếm khí - thiếu khí - hiếu khí (AAO), dựa trên nền tảng công nghệ Multitank và Aeroten truyền thống được nhập khẩu từ Mỹ.

Tổng thể tích các bể đã đầu tư xây dựng hơn 200.000m3, có khả năng lưu chứa nước thải trước và sau xử lý khoảng hơn 50 ngày. Nước thải sau xử lý đạt QCVN 63:2017/BTNMT (cột A) được tái sử dụng tuần hoàn cho một số công đoạn sản xuất. Qua đó, giúp giảm chi phí vận hành; thu hồi được khí gas sấy bột, sấy bã làm nguồn khí đốt thân thiện môi trường; tận dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất phân bón vi sinh…

Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư hệ thống sấy bã để xử lý mùi hôi bã tươi, vừa dự trữ kho bã sấy được lâu, vừa tăng hiệu quả kinh tế khi bán phụ phẩm bã sấy khô. Bố trí khu vực thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất.

Thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng xong Nhà quan trắc tự động có diện tích 15m2, đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với các thông số quan trắc, gồm: Lưu lượng (đầu vào, đầu ra), pH, nhiệt độ, TSS, COD, tổng xianua, tổng Nitơ…

Hiện nay, Công ty đang tập trung hoàn thiện thủ tục để kết nối, truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

img_3010.jpeg
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến nông sản BHL, công suất 4.000m3/ngày đêm.

Ông Vũ Hưng Bình, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La cho biết: Hiện nay, Công ty đã lập kế hoạch bảo vệ môi trường cho nhà máy, bố trí 1 cán bộ chuyên trách về môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, thường xuyên vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp… theo quy định. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị.

Để đảm bảo hoạt động chế biến nông sản tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước, trước khi vào niên vụ chế biến hàng năm, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Đoàn kiểm tra/Tổ công tác tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan với 7 cơ sở chế biến nông sản tập trung trên toàn tỉnh, trong đó có Nhà máy chế biến nông sản BHL.

Hình thức giám sát trực tiếp với tần suất 1 lần/tháng và đột xuất khi có thông tin phản ánh, hoặc hiện tượng, dấu hiệu nghi vấn; giám sát gián tiếp thông qua hệ thống camera tại các khu xử lý chất thải của cơ sở truyền về máy tính, điện thoại của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Thời gian giám sát từ khi bắt đầu vào niên vụ sản xuất đến tháng 5 năm tiếp theo. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đảm bảo hoạt động sản xuất, chế biến của đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Nguyễn Nga