Môi trường

Châu Á - Thái Bình Dương quyết tâm đạt được thoả thuận nhựa tại INC-5

Minh Hạnh (Tổng hợp từ UNEP) 29/11/2024 - 16:59

Thay mặt cho Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG), đại diện Thái Lan đã phát biểu trong phiên họp toàn thể đầu tiên tại INC-5, tổ chức ở Busan (Thái Lan).

Ngày 25/11, phiên họp thứ 5 của Uỷ ban đàm phán liên chính phủ (INC-5) đã khai mạc tại Busan (Hàn Quốc). Trong ngày họp đầu tiên INC-5 đã tổ chức phiên họp toàn thể. Tại đây, đại diện các nhóm quốc gia đã trình bày quan điểm và kỳ vọng của mình khi tới Busan.

Thay mặt Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương (APG), đại diện Thái Lan cho biết: "Chúng ta tập trung tại đây với mục tiêu kết thúc việc đàm phán các văn bản tại Busan. Chúng tôi đánh giá cao thiện chí và sự lãnh đạo của Chủ tịch INC cũng như sự hỗ trợ của Ban thư ký để mang lại thành công cho INC-5. APG chúng tôi cam kết sẽ tham gia với tinh thần xây dựng".

screenshot-2024-11-29-at-16.56.53(1).png
Toàn cảnh phiên toàn thể INC-5.

Theo đại diện Thái Lan, Nhóm các nước Châu Á – Thái Bình Dương kiên định với mục tiêu và quyết tâm đạt được thoả thuận toàn cầu tại INC-5. Đồng thời, đánh giá cao tài liệu không chính thứ số 3 – còn được gọi là NON PAPER 3 – do Chủ tịch INC cung cấp ngày 30/10, trước phiên họp INC-5.

"NON PAPER 3 đã tạo điều kiện thuận lợi để các bên tham gia đàm phán. Trong quá trình đàm phán, các bên sẽ tiếp tục đưa ra quan điểm và tìm kiếm điểm chung đạt được công bằng và hiệu quả cho mọi bên", đại diện Thái Lan cho hay.

screenshot-2024-11-29-at-16.57.15.png
Chủ tịch INC-5 Luis Vayas Valdivieso

Để cuộc thảo luận đạt hiệu quả cao, nhóm APG cho rằng cần tạo điều kiện cho các thành viên chia sẻ ý kiến một cách công bằng, hiệu quả và toàn diện.

Một cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận, toàn diện, dựa trên bằng chứng và minh bạch trong quá trình ra quyết định là điều không thể thiếu để đảm bảo cam kết hoàn toàn đối với văn bản này. Cần tránh trùng lặp công việc và tìm kiếm sự bổ sung giữa các công ước và văn bản quốc tế có liên quan để ngăn ngừa ô nhiễm nhựa và các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người cũng như các tác động tiêu cực đến phúc lợi của con người và môi trường.

Châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm thông qua các cách tiếp cận ràng buộc và tự nguyện, dựa trên cách tiếp cận toàn diện, xem xét vòng đời của nhựa, đồng thời tính đến các nguyên tắc của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, cũng như hoàn cảnh, năng lực, nhu cầu và thách thức của quốc gia.

“Mục tiêu của chúng tôi vẫn là xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ, tạo điều kiện và cân bằng bao gồm các nghĩa vụ và phương tiện thực hiện rõ ràng để ứng phó với các thách thức toàn cầu về ô nhiễm nhựa bao gồm ô nhiễm nhựa xuyên biên giới và ô nhiễm nhựa cũ, đồng thời tạo điều kiện cho các hành động hiệu quả sẽ được tăng cường theo thời gian”, đại diện Thái Lan cho biết.

Nhóm APG công nhận sẽ có một số nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ văn bản này, bao gồm việc hỗ trợ xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ theo các điều khoản được thỏa thuận chung và hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi có thể thực hiện hiệu quả.

Đây cũng là một vấn đề được quan tâm, bởi trong khu vực còn nhiều quốc gia thuộc nhóm đang phát triển, thu nhập thấp và các quốc đảo nhỏ. Do đó, sự hợp tác và phối hợp toàn cầu sau khi thoả thuận được thông qua cũng sẽ là chìa khoá, giúp khu vực châu Á – Thái Bình Dương thực hiện các cam kết đã đề ra với vấn đề rác thải nhựa.

“Khi chúng ta hướng đến việc kết thúc các cuộc đàm phán về văn bản giải quyết ô nhiễm nhựa, chúng ta phải thừa nhận vai trò quan trọng của nhựa trong xã hội và hài hòa các mục tiêu về môi trường với thực tế kinh tế và xã hội theo cách bền vững. Cùng nhau, chúng ta hãy phấn đấu để hoàn thành một văn bản đầy tham vọng và lâu dài phục vụ cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, đại diện Thái Lan nhấn mạnh.

Minh Hạnh (Tổng hợp từ UNEP)