Trong nước

Làm rõ cơ chế phân cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Khương Trung 28/11/2024 - 17:28

Chiều 28/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

22(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm minh bạch, tránh lạm quyền trong "đánh giá sự phù hợp”

Đa số các ĐBQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan; nội luật hóa các cam kết quốc tế trong hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ.

Dự thảo Luật đã bổ sung định nghĩa về: “Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động: thử nghiệm; hiệu chuẩn; giám định; kiểm định…”.

23.jpg
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đây là sự bổ sung cần thiết trong thực tiễn hiện nay. Bởi, “đánh giá sự phù hợp” đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu pháp luật về an toàn, chất lượng.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị, Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm các quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức thực hiện “Đánh giá sự phù hợp”.

Theo đó, các tổ chức này phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm tính minh bạch và tránh tình trạng lạm quyền. Đặc biệt, cần có quy định về xử lý vi phạm nếu các tổ chức này cung cấp kết quả đánh giá sai lệch hoặc không khách quan.

Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là cơ sở pháp lý để xây dựng, cập nhật, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật kỹ thuật thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cũng như quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng, cập nhật, quản lý, duy trì hệ thống.

Theo ĐBQH Triệu Thị Ngọc Diễm (Nghệ An), việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, như: tiết kiệm chi phí tìm kiếm thông tin; tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các sản phẩm trên thị trường.

25.jpg
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khai thác dữ liệu; cơ chế phân cấp trong xây dựng, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đồng thời, bổ sung, giải trình làm rõ việc phân cấp quản lý đến các bộ ngành, địa phương để giảm tải cho Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như phát huy được nguồn lực sẵn có của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò chủ trì, điều phối hoạt động xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ. Làm rõ quy định liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giữa các bộ để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải đăng ký, thông báo, công bố ở nhiều nơi đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được nhiều bộ cùng tham gia quản lý.

Khương Trung