Doanh nghiệp - doanh nhân

Vĩnh Phúc: Triển khai thực hiện Nghị quyết 115 /NQ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nguyễn Hiền 28/11/2024 - 17:22

Với định hướng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước, Vĩnh Phúc dành nhiều ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và hơn 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đầu chuỗi như Sam sung, Honda, Toyota..

Nhiều ưu đãi, tăng hỗ trợ

Thưc hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường các hoạt động liên kết, tăng năng lực cho các doanh nghiệp nội đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

cong-nghiep-ho-tro.jpg
Vĩnh Phúc dành nhiều ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đồng thời tỉnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, một cửa liên thông và hoàn thiện môi trường kinh doanh thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vĩnh Phúc dành nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng đủ điều kiện kết nối vào chuỗi cung ứng; phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công thương) thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI”.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau tạo thành chuỗi, cụm chi tiết đáp ứng những yêu cầu cao, khắt khe của thị trường, gia tăng khả năng cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng; chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, cải thiện kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, điển hình như Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3663/QĐ-UBND về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025… Trong đó, điển hình là Quyết định số 3663/QĐ-UBND về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số tiền hỗ trợ trên 94,7 tỉ đồng.

cnht220241101194209.jpg
Triển khai thực hiện Nghị quyết 115 /NQ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hiệu quả từ chính sách

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh về miễn giảm thuế; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật, các cơ chế, chính sách, trợ giúp pháp lý… các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng vươn lên, tự khẳng định mình. Đơn cử như Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc (xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên) đã chủ động đầu tư, cải tiến trang thiết bị, mời các chuyên gia người Nhật Bản sang hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp làm việc tiên tiến; tổ chức các khóa học nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt là các khóa học huấn luyện tại nước ngoài. Hiện nay, công ty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực lành nghề, giàu kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe trong quá trình sản xuất các chi tiết động cơ ô tô, xe máy đòi hỏi độ chính xác cao, trở thành doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ uy tín hàng đầu của tỉnh, chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe máy, xe ô tô.

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Tiến - chi nhánh Vĩnh Phúc đầu tư vào cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường) đã đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 100 tỷ đồng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, tạo dựng niềm tin với các khách hàng tiềm năng. Hiện nay, các sản phẩm phanh đĩa, phanh cơ của doanh nghiệp không chỉ cung cấp theo đơn đặt hàng của các công ty như Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Piaggio Việt Nam mà còn xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Italia, Nhật Bản, Philippines.

Hiện tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; trên 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio Việt Nam - đây là các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo nói chung và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nói riêng phát triển. Riêng với ngành điện tử, số lượng doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các công ty đầu chuỗi như Samsung, LG, Panasonic… tăng nhanh.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, cả tỉnh có trên 50 doanh nghiệp lĩnh vực linh kiện phụ tùng đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.

Nhằm đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tăng cường liên kết vùng về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc gia, quốc tế phù hợp với các doanh nghiệp và thế mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước; tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Nghị quyết 115 /NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó hoạch định đường hướng và mục tiêu phát triển cụ thể đối với 3 lĩnh vực có tiềm năng để ưu tiên phát triển là: Công nghiệp hỗ trợ linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giầy và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Trên thực tế, danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong Nghị quyết 115 /NQ-CP của Chính phủ cũng đã được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nguyễn Hiền