Thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo đà phát triển KTXH địa phương
(TN&MT) - Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8. Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ giúp địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác, quản lý khoảng sản, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội... Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về những kỳ vọng của địa phương.
PV: Thưa ông, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này, ông đánh giá như thế nào về việc sớm ban hành Luật để phục vụ cho phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Sau hơn 13 năm thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từng bước đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tạo nguồn lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản 2010 cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản; một số quy định của Luật Khoáng sản 2010 chưa đồng nhất, mâu thuẫn với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản… ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là về vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập.
Tôi cho rằng, Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc Hội thông qua lần này sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
PV: Ông đánh giá về vai trò của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như thế nào, trong đó, những quy định mới nào của Dự thảo này sẽ tác động toàn diện đến địa phương?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Như tôi đã đề cập phần trên, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 trong thời gian qua và đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn.
Dự thảo Luật đã kế thừa những chính sách, quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đang được áp dụng gồm các nội dung: Chính sách của Nhà nước về địa chất và khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; công cụ kinh tế, tài chính trong hoạt động khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi một số chính sách, quy định để tháo gỡ bất cập, vướng mắc liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân được tuyển chọn tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thủ tục hành chính, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Có thể nói, Dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
PV: Từ thực tiễn của địa phương, tỉnh Quảng Nam đã tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo này nhằm giúp Bộ TN&MT kịp thời sửa đổi, bổ sung đầy đủ các quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Thời gian qua, thực hiện theo yêu cầu của Bộ TN&MT về việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã tích cực tổ chức các cuộc hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, người dân.
Các ý kiến đóng góp của tỉnh Quảng Nam chủ yếu tập trung vào các quy định đóng cửa mỏ khoáng sản; bổ sung thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản; quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV; Quy định chung về thu hồi khoáng sản (Điều 77); thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản; Phân cấp, phân quyền mạnh về địa phương; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản; thu hồi khoáng sản…
Về quy định tham gia điều tra địa chất về khoáng sản của tổ chức, cá nhân, địa phương đề nghị bỏ “quyền ưu tiên của tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản” quy định tại khoản 3 Điều 24, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ, minh bạch đấu giá quyền khai thác trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất có điều khoản cho phép UBND cấp tỉnh phân quyền cho UBND cấp huyện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, nhất là cát, sỏi, đất san lấp nhằm phục vụ xây dựng các công trình dân sinh và nhu cầu của người dân.
Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, khi Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của khu vực, của tỉnh; đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!