Phát triển ngành nuôi trên biển hướng đến xuất khẩu bền vững
(TN&MT) - Phát triển ngành nuôi trên biển không chỉ góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, giảm khai thác bất hợp pháp mà còn tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững.
Đây là nội dung được ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại hội nghị "Tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam" tổ chức ngày 28/11/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Cẩn, tại Việt Nam, ngành nuôi hải sản trên biển đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản bền vững của quốc gia.
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển là chủ trương nhất quán, được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCHTW đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, với mục tiêu đạt sản lượng nuôi biển là 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2 tỷ USD.
“Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là khai thác bất hợp pháp”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, sự chuyển đổi từ nuôi trên biển theo kiểu truyền thống sang mô hình công nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức mang tính chiến lược quốc gia.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay là nguồn nhân lực phục vụ nuôi trồng trên biển vẫn còn hạn chế cả về số lượng và trình độ kỹ thuật. Do vậy, phát triển nhân lực có kỹ năng và sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là chìa khóa để ngành nuôi trồng thuỷ sản trên biển cạnh tranh bền vững trên thị trường toàn cầu.
Đồng quan điểm, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, từ năm 2004, Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hợp tác chặt chẽ trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Theo bà Hilde Solbakken, chương trình đào tạo cho lĩnh vực nuôi biển và nuôi trồng thủy sản là một kết quả rất thiết thực và kịp thời, hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của cả Na Uy và Việt Nam. “Chương trình đã tận dụng được những kinh nghiệm từ ngành nuôi biển của Na Uy và điều chỉnh phù hợp với Việt Nam”, bà Hilde Solbakken nhấn mạnh.
Theo Cục Thủy sản, năm 2023, nuôi biển đạt sản lượng 790 nghìn tấn (tăng 10,1% so với năm 2022), kim ngạch xuất khẩu đạt 552 tỷ USD. Để đạt mục tiêu sản lượng đạt 1,45 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2 tỷ USD vào năm 2030 cần sự nỗ lực của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển. Do vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, một trong những sự chuẩn bị cần thiết trong tương lai là chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt trình độ chuyên môn cao, để có thể đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường biển.