Kinh tế

Đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho các cơ quan báo chí

Khương Trung 28/11/2024 - 10:42

(TN&MT) – Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần xét đến vai trò đặc biệt của báo chí để khi giảm thuế suất ưu đãi cho các cơ quan báo chí sẽ góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí để từ đó chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao.

281120240833-z6076200947872_6887cee6dde3244ea0321247ccf55e44.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 29/11

Sáng 28/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho các cơ quan báo chí

Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng dự thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng. Điều này giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số bất cập như mức doanh thu 3 tỷ đồng áp dụng thuế 15% là quá thấp, cách phân loại doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu có thể bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 15% và 17%, sử dụng thêm tiêu chí như số lao động và tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp, áp dụng lộ trình tăng thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng.

281120240858-z6076212694639_78f2333fd8e8a324cd3d58a8159322b8.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đối với cơ quan báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

Bên cạnh đó, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí. Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.

Nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí

Đóng góp ý kiến vào đóng góp vào thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đối với cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên khẳng định: Báo chí là hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn nhiều. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.

Để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí. Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí.

Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.

Miễn thuế để đảm bảo hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

281120240940-z6076360500262_b4daaeccc788a2832368e42464a1af22.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình quan tâm đến Điều 4 về thu nhập được miễn thuế. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu chỉ rõ, theo dự thảo Luật, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cũng thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Đại biểu phân tích, đơn vị sự nghiệp công lập đang thay mặt nhà nước cung ứng những dịch vụ công mà nhà nước đảm bảo. Nhà nước cũng có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên hiện nay đâng đảm bảo thay nguồn ngân sách từ nhà nước. Do đó, những đơn vị này không có nghĩa vụ phải đóng vào ngân sách nhà nước. Mặt khác, các dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công cũng chưa được tính đúng, tính đủ. Chính vì thế, nguồn thu của đơn vị đang dùng để cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo phương án tài chính đã được phê duyệt và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Hiện nay, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những vướng mắc, bất cập do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ, chưa đồng bộ. Dẫn đến đa số các đơn vị đang tự chủ gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu giảm dẫn đến phúc lợi hạn chế, thu nhập của viên chức, người lao động bị giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viên chức xin thôi việc; không giữ cân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Khương Trung