2024: Hải sản Na Uy tiếp tục giữ vị thế hàng đầu tại Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) năm 2024 hải sản Na Uy tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong thị trường hải sản nhập khẩu tại Việt Nam.
Na Uy là quốc gia dẫn đầu trong việc cung cấp cá hồi nhập khẩu vào Việt Nam, chiếm đến 79% thị phần trong tổng sản lượng nhập khẩu trong năm nay với 24.000 tấn. Trong thị trường có mức độ cạnh tranh cao, Na Uy tập trung vào chất lượng cao, tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc đã tạo được niềm tin lớn với người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam.
Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp chỉ chiếm lần lượt 10% và 8% thị phần, cho thấy vị thế vững chắc của Na Uy trong ngành hàng cá hồi nhập khẩu. Đồng thời, sản phẩm cá hồi đông lạnh của Na Uy cũng đang được tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thịt bụng cá hồi trong các món sushi, từ đó thúc đẩy sự gia nhập sâu hơn của các sản phẩm hải sản Na Uy vào thị trường Việt Nam.
Tương tự, hải sản Na Uy cũng dẫn đầu ở các dòng sản phẩm cua hoàng đế và cua nâu. Trong năm 2024, thị trường cua hoàng đế tại Việt Nam đạt khoảng 350 tấn, trong đó Na Uy chiếm 54% thị phần. Ngoài ra, Na Uy cũng chiếm 76% thị phần cua nâu nhập khẩu tại Việt Nam.
Thông qua việc tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác địa phương, hải sản Na Uy với ưu thế về chất lượng đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam, từ các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các nhà bán lẻ lớn của Việt Nam đã đón nhận hải sản Na Uy, qua đó củng cố sự hiện diện của các sản phẩm này trên thị trường.
Với mức tiêu thụ hải sản bình quân đầu người là 40,9 kg mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với hải sản Na Uy chất lượng cao có nguồn gốc bền vững. Sự hợp tác của NSC (Một đơn vị thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thuỷ sản Na Uy) đã làm phong phú thêm các lựa chọn hải sản tại Việt Nam với những sản phẩm hải sản hàng đầu, có nguồn gốc bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
"Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn đối với hải sản Na Uy và chúng tôi rất vui mừng khi được tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác Việt Nam" bà Åshild Nakken, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của NSC chia sẻ.
Trong tháng 11, Hội đồng Hải sản đã Na Uy tổ chức một số sự kiện quan trọng để tăng cường các mối quan hệ đối tác và quảng bá hải sản Na Uy tại Việt Nam. Một trong những điểm nhấn quan trọng là ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Golden Gate, tăng cường hợp tác và đẩy mạnh sự hiện diện của các sản phẩm hải sản Na Uy chất lượng cao tại các chuỗi nhà hàng của Golden Gate.
Sau thành công tại Hà Nội, NSC còn tiếp tục tổ chức chương trình "Học viện Cá hồi Na Uy" tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng chế biến đối với cá hồi Na Uy cho đối tượng nhà bán lẻ, nhân viên quầy hải sản tại các siêu thị và những người làm việc trong lĩnh vực hải sản tại Việt Nam.
Chương trình toàn diện này sẽ cung cấp những kiến thức và thông tin về chất lượng vượt trội, tính bền vững, cách chế biến và bảo quản, các ứng dụng linh hoạt và đa dạng trong ẩm thực của cá hồi Na Uy. Hội đồng Hải sản Na Uy sẽ cấp chứng nhận cho các học viên tham gia Học viện Cá hồi.
NSC cũng tổ chức một hội thảo với các đối tác địa phương, quy tụ các bên liên quan trong ngành để thảo luận về các xu hướng thị trường, thách thức và cơ hội đối với hải sản Na Uy tại Việt Nam. Hội thảo tập trung mạnh vào các yếu tố bền vững và động lực cho sự phát triển chung của ngành.
Chính sách phát triển bền vững của NSC hoàn toàn phù hợp với giá trị của người tiêu dùng Việt Nam, nơi 82,2% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hải sản có nguồn gốc bền vững. Cam kết của hải sản Na Uy về tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm bảo vệ môi trường đã giúp các sản phẩm của quốc gia này trở thành sự lựa chọn ưu tiên trong một thị trường ngày càng coi trọng yếu tố bền vững như Việt Nam.