Xã hội

Trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Đức Tâm 26/11/2024 - 19:16

(TN&MT) - Ngày 26/11 tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 đã tổ chức Lễ trao giải với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà báo, khách mời và các tác giả đoạt giải.

img_7988.jpg
Ban Tổ chức trao giải A cho ba tác giải có tác phẩm đoạt giải cuộc thi

Cuộc thi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 9/2024. Với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường, cuộc thi đã thu hút hơn 400 tác phẩm dự thi từ khắp mọi miền đất nước.

Các tác phẩm dự thi tập trung phản ánh vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử, sinh học của cây di sản, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

img_7959.jpg
Quang cảnh buổi lễ trao giải cuộc thi.

Phát biểu khai mạc tại lễ trao giải, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 được phát động với mục tiêu lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và kết nối các thế hệ đã có công chăm sóc, bảo vệ cây di sản Việt Nam.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Hội sẽ sử dụng các bài viết trong thời gian tới để lan tỏa thông điệp của các tác giả đối với mọi người dân trên toàn quốc, ra sức bảo vệ cây xanh, bảo vệ cây cổ thụ, bảo vệ cây di sản Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, của Nhà nước về đề án trồng một tỷ cây xanh.

Trong báo cáo tổng kết, Ban tổ chức cho biết, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tác giả trên khắp mọi miền đất nước, từ những cây bút chuyên nghiệp đến từ các cơ quan báo chí Trung ương, cho đến những người viết không chuyên đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh vùng sâu vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Điều này cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và sức hấp dẫn đặc biệt của cuộc thi đối với những người yêu thiên nhiên, quan tâm đến bảo tồn di sản cây xanh Việt Nam.

img_7968.jpg
Nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi đánh giá cao chất lượng các bài dự thi, nhiều tác phẩm mang đậm tính nhân văn, thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc và ý thức trách nhiệm với môi trường.

Nhiều bài viết đã phân tích sâu sắc vai trò của cây di sản đối với đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản địa. Các bài viết không chỉ mang giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

img_7985.jpg
Ban Tổ chức trao giải B cho ba tác giải có tác phẩm đoạt giải cuộc thi.

Trong số hàng trăm tác phẩm tham gia cuộc thi, qua nhiều vòng loại, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm phù hợp nhất, tốt nhất để công bố, trao giải theo cơ cấu, gồm: 3 giải A; 7 giải B và 15 giải C. Ngoài giấy xác nhận đoạt giải, các tác giả nhận tiền thưởng, cụ thể: ba giải A mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; bảy giải B mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 15 giải C mỗi giải trị giá hai triệu đồng.

img_7981.jpg
Ban Tổ chức trao giải C cho ba tác giải có tác phẩm đoạt giải cuộc thi.

Tại buổi lễ, ba giải A được trao cho: nhà báo-nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội); nhà báo-nhà văn Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân); Ngô Thị Quỳnh Châu (Đại học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Giao lưu tại lễ trao giải, nhà báo-nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã chia sẻ một thông điệp quan trọng về việc nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh trong cộng đồng. Ông chỉ ra thực trạng đáng buồn là cây cối có thể bị bức tử mà không được bảo vệ, trong khi con người vẫn còn thờ ơ, luật pháp và đạo đức xã hội chưa có quy định rõ ràng để bảo vệ cây xanh. Ngay cả trong đô thị, cây xanh vẫn bị chặt bỏ vì lợi ích kinh tế hoặc thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn, chính giá trị của cây lại là mối đe dọa cho sự tồn vong của nó, bởi cây càng quý, càng có giá trị thì càng dễ bị xâm hại.

Đức Tâm