Phát triển Xanh

Hướng dòng tín dụng xanh đến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới

Hà Duyên 26/11/2024 - 12:19

Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công trình xanh, giao thông bền vững, quản lý nước bền vững là những lĩnh vực sẽ được nhận dòng tín dụng xanh từ các ngân hàng.

Đây là nội dung được ông Lâm Xuân Minh – Giám đốc Vietcombank Long Thành cho biết tại buổi tham quan, khảo sát thực tế về “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh” do Tạp chí Môi trường tổ chức ngày 25/11 tại Đồng Nai.

Theo ông Minh, tính đến 31/12/2023 tổng dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank đạt 46.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,6% tổng dư nợ. Trong đó 84% là cấp cho các dự án năng lượng tái tạo, 10% cho lĩnh vực quản lý nước bền vững.

Mới đây, Vietcombank đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được thiết kế theo cấu trúc không yêu cầu tài sản bảo đảm và không cần bảo lãnh thanh toán. Toàn bộ giá trị trái phiếu chào bán đã được các nhà đầu tư mua hết.

ngan-hang.jpg
Vietcombank đang đa dạng hóa các công cụ tài chính xanh, hoàn thiện các tiêu chí và chính sách để hướng dòng tín dụng đến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Minh, dựa trên chiến lược Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đơn vị chú trọng xây dựng chiến lược ngân hàng xanh và đa dạng hóa các công cụ tài chính xanh. Hoàn thiện các tiêu chí và chính sách để hướng dòng tín dụng đến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới, phát thải carbon thấp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng xanh, cộng đồng khởi nghiệp để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.

Với lĩnh vực sản xuất, ông Đặng Thế Kỳ - Quản lý nhà máy Ajinomoto Biên Hòa cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, đơn vị đã thực hiện hàng loạt sáng kiến bền vững. Những giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội và nền kinh tế.

Theo đó, công ty đã chuyển sang sử dụng lò hơi sinh học và năng lượng tái tạo. Nhờ đó giảm đáng kể phát khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu giảm 50% lượng phát thải vào năm 2030 so với năm 2018. Đồng thời, hệ thống điện mặt trời nhà cũng đang được triển khai tại các trung tâm phân phối nguồn năng lượng sạch tối ưu.

Cùng với đó, đơn vị cũng tập trung mạnh mẽ vào tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa. Công ty đã chuyển sang sử dụng bao bì tái chế. Đồng thời hợp tác với các đối tác như để phát triển hệ thống thu gom, tái chế nhựa. Mục tiêu của Ajinomoto là loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa ra khỏi chuỗi cung ứng vào năm 2030.

Đáng chú ý, dự án Khoai mì bền vững đã mang lại lợi ích lớn khi đưa tăng suất tăng cao từ 21 tấn/ha lên 40 tấn/ha. Từ đó giúp thu nhập của người nông dân tăng hơn 200%, đồng thời giảm hơn 11.000 tấn CO2 mỗi năm. Dự án cũng xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp, đảm bảo 100% tinh bột được sử dụng trong sản phẩm sản xuất từ ​​​​dự án này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chú ý bảo tồn tài nguyên nước thông qua hệ thống xử lý nước thải tiên tiến tại nhà máy Biên Hòa. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cứng khe trước khi xả ra sông Đồng Nai, góp phần bảo vệ nguồn nước sạch cho cộng đồng.

Với kiến ​​trúc sáng tạo này, Ajinomoto Việt Nam không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo ra một hệ thống sinh thái kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Đây là mô hình mẫu mực cho doanh nghiệp tại Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững.

Hà Duyên