Xã hội

Tân Lạc (Hòa Bình): 4 cây cổ thụ được công nhận “cây di sản” Việt Nam trong lễ hội văn hóa

Đức Hải - Đà Giang 26/11/2024 - 12:19

(TN&MT) - Trong 2 ngày tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao của huyện Tân Lạc năm 2024 do UBND huyện Tân Lạc tổ chức, 4 cây đại thụ đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam trao tặng chứng nhận là Cây di sản Việt Nam nhằm khuyến khích, bảo vệ môi trường.

2.jpg
Trao Giấy chứng nhận cây di sản cho chính quyền địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Trong các ngày tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời kích cầu và thu hút khách du lịch đến với địa phương.

1.jpg

Cũng trong không khí lễ hội đó, UBND huyện Tân Lạc tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 3 cây vải cổ thụ tại xóm Chiến, xã Vân Sơn và 1 cá thể cây Chò Đãi tại xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến.

3.jpg
Cây vải có đường kính lên đến hơn 1m, ước tính có đến gần 400 năm tuổi.

4.jpg

Tại ngày hội, nhân dân và du khách được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của bà con dân tộc Mường và nhiều hoạt động hấp dẫn. Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Thi trại văn hóa giới thiệu các sản phẩm văn hoá, du lịch, nông sản và vật dụng sản xuất, sinh hoạt truyền thống của nhân dân các xã vùng cao; thi ẩm thực và trưng bày các món ăn ngon của ẩm thực dân tộc Mường.

Trình diễn trang phục dân tộc Mường và giao lưu văn nghệ; thi các môn thể thao dân tộc kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ; thi hát đối tiếng Mường; thi đan lát truyền thống; thi trò chơi dân gian đánh mảng giữa 3 xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông (huyện Tân Lạc) và các huyện, thành phố trên địa bàn.

9.jpg

Được biết, trước đó tại địa bàn huyện Đà Bắc cũng có 1 quần thể 5 cây Chò xanh (Có tên khoa học là Terminalia myriocarpa Henrila) ở khu vực Bưa Phay thuộc lô 06, khoảnh 34, tiểu khu 15 là khu vực giáp ranh của các xã Đoàn Kết, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc được công nhận là cây Di sản Việt Nam tại Quyết định số 50/QĐ-HMTg ngày 28/4/2021 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Quần thể 5 cây Chò xanh có độ tuổi trên 200 năm, cây lớn nhất có độ tuổi trên 600 năm với chu vi đo tại vị trí D1.3 là 11,1 m, chiều cao vút ngọn cây cao nhất trên 50 m. Cây Chò xanh này được người dân địa phương vẫn thường gọi là cây Phay thần. Có 2 tuyến đi xuyên rừng để đến được vị trí của quần thể cây di sản là: Tuyến 1 bắt đầu từ Bia cây di sản thuộc xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết chiều dài tuyến 3,1km, tuyến 2 bắt đầu từ xóm Nhạp xã Đồng Chum chiều dài tuyến 4,5km.

11.jpg

Hiện nay trên tuyến này đã được khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh tiến hành điều tra, khảo sát thành tuyến có thể khám phá, trải nghiệm du lịch đi bộ xuyên rừng.
Với việc được Hội đồng cây Di sản Việt Nam công nhận quần thể 5 cây Chò xanh là cây di sản Việt Nam, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh lập đề án phát triển du lịch sinh thái theo quy định của Luật Lâm nghiệp để triển khai các hạng mục tuyến, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực được giao quản lý theo chủ trương chung địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để người dân vùng đệm có thu nhập từ rừng, từ du lịch và ít tác động vào rừng đặc dụng.

15.jpg

Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh có diện tích tự nhiên trên 5 nghìn ha, là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Khu bảo tồn được đưa vào bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn nước cho sông Đà và phòng lũ.

13.jpg

Bên cạnh đó còn được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Tây Bắc, Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng.

Đức Hải - Đà Giang