Khoáng sản

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Gỡ khó trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường

Bạch Thanh (thực hiện) 26/11/2024 - 10:25

(TN&MT) - Long An hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm rất cần nguồn vật liệu san lấp, trong khi các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỉnh rất kỳ vọng Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua sẽ giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác, phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An xung quanh nội dung này.

11a.jpg
Ông Phan Văn Cường -
Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An

PV: Xin ông cho biết quá trình triển khai các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phan Văn Cường: Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực; trong đó, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã từng bước đi vào khuôn khổ pháp luật. Tỉnh còn tích hợp Quy hoạch khoáng sản vào Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cấp giấy phép cho hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Long An chỉ cấp phép đối với các dự án có mục tiêu, mục đích cụ thể và chỉ phục vụ công tác san lấp các công trình công cộng cấp bách trên địa bàn. Việc khai thác khoáng sản đã cơ bản đáp ứng nhu cầu san lấp cho việc duy tu và cải tạo hạ tầng kỹ thuật nơi khai thác, phục vụ nguyên liệu san lấp cho các công trình trọng điểm, dân dụng của tỉnh, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản cần được bổ sung trong Dự thảo Luật mới.

PV: Theo ông, những điểm mới nào trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương?

Ông Phan Văn Cường: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần này đã đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ với các chính sách, pháp luật khác liên quan lĩnh vực địa chất, khoáng sản được sửa đổi, bổ sung, ban hành. Dự thảo cũng đã bãi bỏ các quy định bất cập, đồng thời, bổ sung quy định tháo gỡ những điểm nghẽn thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thứ nhất là về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà Luật Khoáng sản 2010 đã không còn phù hợp; trọng tâm là việc cấp phép khai thác đất san lấp phục vụ cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm của địa phương hoặc dự án đầu tư công.

Thứ hai là hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản. Hiện tỉnh còn lúng túng và bị động khi điểm mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản có nhiều hồ sơ tham gia đấu giá và khi thực hiện đấu giá khoáng sản; trong khi Dự thảo Luật mới đã tháo gỡ về sự chưa đồng bộ giữa pháp luật khoáng sản và pháp luật đấu giá về thời gian niêm yết, thông tin đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thứ ba là vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản, hiện vấn đề này địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn.

11c.jpg
Long An rất cần nguồn cát san lấp phục vụ các công trình giao thông

PV: Như vậy, khi Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua, ông kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tình hình quản lý khai thác khoáng sản của Long An?

Ông Phan Văn Cường: Thời gian qua, tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn. Đồng thời, để đảm bảo công tác quản lý khoáng sản được chặt chẽ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị...

Tuy vậy, như đã nói, do Luật Khoáng sản 2010 còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách pháp luật khoáng sản chưa chặt chẽ và xung đột giữa các quy định của pháp luật liên quan dẫn đến công tác tham mưu quản lý khoáng sản tại địa phương còn bất cập; trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản rườm rà và mất nhiều thời gian cho nhà đầu tư triển khai dự án, cụ thể là việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án cần đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Do đó, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần này đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn; điển hình nhất là có bổ sung quy định thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo đơn giản, kịp thời giúp địa phương có thể giải quyết nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ san lấp công trình công cộng, mang tính chất cấp bách phục vụ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn Long An có 19 công trình giao thông trọng điểm đã và đang thực hiện từ nay đến 2030 rất cần nguồn vật liệu san lấp. Do đó, tỉnh kỳ vọng Luật Địa chất và Khoáng sản sớm được thông qua sẽ giúp địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bạch Thanh (thực hiện)