Biển đảo

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi - Bài 4: Phủ xanh đảo, nhà giàn

Mai Chí Vũ 24/11/2024 - 19:59

(TN&MT) - Ngày chúng tôi ra đảo, một màu xanh ngắt của nước biển hòa vào mây trời và cây xanh. Màu xanh của cây làm chúng tôi ngỡ ngàng. Đặc biệt hơn, giữa muôn trùng sóng biển và những luồng gió mặn chát, nước ngọt phải sử dụng rất tiết kiệm, đất và phân bón phải chở từ đất liền ra, thế nhưng, những luống rau nơi đây vẫn tươi tốt phủ màu xanh lên đảo, nhà giàn.

Ở đây, rau được nâng niu như báu vật, được quây bạt, che chắn kỹ, thậm chí, rau ở các thùng xốp di động còn được mang vào nhà để “chạy sóng chạy gió”. Công cuộc giữ màu xanh trên đảo nổi, đảo chìm quả là lắm gian nan…

Chưa hết ngạc nhiên vì những luống rau thì chúng tôi lại gần như “chôn chân” ngõ ngàng trước những giàn bí, bầu, mướp… Trên nhà giàn DK-I/8, giàn bí xanh được trồng ngay phía dưới những tấm pin năng lượng mặt trời, chịu nắng, chịu gió Trường Sa, nhưng giàn nào giàn nấy sai trĩu quả.

373-202411241851311.jpg
373-202411241851312.jpg

Như “cảm thông” với tâm trạng của chúng tôi, Đại úy Đinh Sỹ Tùng - Chính trị viên Nhà giàn DK-I/8 chia sẻ: "Đợt này vừa hết dưa leo nên chuyển sang mướp, bầu, bí, các loại rau như cải ngọt, bồ đất và rau thơm”.

Vì “hiên ngang” giữ biển nên cữ mỗi đợt mưa to, gió lớn, các vườn rau trên nhà giàn chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, mưa chưa tới là các chiến sĩ đã phải thu hoạch sớm các loại rau, quả để đưa vào bảo quản, tích trữ. Ở đây, mỗi chiến sĩ đều có thể là một dự báo viên khí tượng thủy văn, trông trời trông mây để dự phòng các công tác và có phương án bảo vệ, thu hoạch rau quả.

Mùa nào rau đấy. Mùa mưa, các chiến sĩ trồng mồng tơi, rau muống, mướp, rau đay, cải, bầu, bí, mùa khô sẽ là các loại rau chịu được hạn hơn. Nhưng suy cho cùng, rau mùa nào cũng được cán bộ chiến sĩ chắt chiu từng giọt nước để dành tưới cho rau. Vì vậy nên mùa nào những vườn rau trên các đảo của Trường Sa cũng đảm bảo xanh tươi, vừa cung cấp thêm rau xanh cho bữa ăn của chiến sĩ, vừa giúp các chiến sĩ giải lao sau giờ làm nhiệm vụ.

Đại úy Bùi Xuân Quốc, Chính trị viên đảo Đá Thị chia sẻ: Trồng rau là một trong những hoạt động tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống tinh thần các chiến sĩ trên đảo. Các chiến sĩ đã khắc phục khó khăn bằng cách tận dụng đất và nguồn nước thải sinh hoạt, cùng với nước mưa và bổ sung chất dinh dưỡng để đất màu mỡ, sử dụng được nhiều lần.

"Trời yên gió lặng thì canh tác thuận lợi. Còn thời tiết dông to, sóng lớn, chúng tôi phải dùng bạt che để ngăn sóng và nước biển thâm nhập để đất không bị nhiễm mặn, dùng nước ngọt rửa lá để rau không bị nhũn lá do mặn. Có đợt sóng đánh lên tận tầng 2, phải căn cứ theo hướng gió, tận dụng các bức tường che chắn cho vườn rau”.

Cũng theo anh Quốc, nước tự nhiên rất quan trọng với hoạt động trồng rau trên đảo. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tận dụng tất cả các vũng, hố, chum và các loại dụng cụ để dự trữ lượng nước mưa cao nhất, đồng thời, tích trữ cả nước thải sinh hoạt đủ điều kiện để tưới rau.

373-202411241851313.jpg
Dù các vườn rau trên đảo, nhà giàn chỉ khoảng 10-20m2, nhưng lúc nào cũng đủ các loại rau xanh tươi tốt.

Sau khi thu hoạch lứa này, các chiến sĩ gieo hạt chuẩn bị cho lứa sau. Giữa muôn trùng sóng gió, sự hiện diện của vườn rau xanh càng khẳng định thêm ý chí kiên cường, không ngại khó, không ngại khổ của các chiến sĩ Trường Sa.

373-202411241851314.jpg
373-202411241851315.jpg
Những hàng Phong Ba và Dừa xanh mướt trên Đảo

Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Cách bờ gần 400km, ít ai biết rằng giữa biển khơi bao la, đảo Đá Tây A quần đảo Trường Sa còn có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc diện lớn nhất quần đảo Trường Sa… Đây là một dự án của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân bám biển và là nơi tránh trú an toàn mỗi khi có bão.

Những âu tàu này còn được ngư dân trìu mến gọi là là “ngôi nhà chung” giữa biển khơi. “Ngôi nhà” giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi chuyến đi biển tại Trường Sa thường kéo dài hơn 1 tháng, nếu như ngày xưa chuyến biển trúng mẻ cá lớn, anh Nguyễn Minh Để cùng ngư dân ở đây thường phải quay về đất liền tiếp thêm nhiên liệu hoặc mua đá lạnh bảo quản hải sản, vừa mất thời gian, vừa mất thêm chi phí thì những năm trở lại đây, từ khi có những âu tàu trên quần đảo Trường Sa này, nhiên liệu, đá lạnh và các mặt hàng nhu yếu phẩm luôn sẵn sàng cho ngư dân khi có nhu cầu.

373-202411241851316.jpg
Trên đảo Đá Tây luôn có tàu cứu hộ, cứu nạn thường trực.

Trường hợp tàu của ngư dân bị nạn hoặc hỏng hóc trên biển, khi nhận được thông tin, những tàu cứu hộ ở đảo Đá Tây sẽ tổ chức tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn, lai dắt về âu sửa chữa giúp ngư dân… đã tạo thêm sức mạnh để ngư dân yên tâm làm ăn sinh sống.

Hiện, quần đảo Trường Sa có 4 âu tàu, khu neo đậu hiện đại kết hợp cảng cá tại các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây A. Có thể nói, bên cạnh sự giúp đỡ của bộ đội Hải quân đóng quân tại các đảo, nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam, hoạt động của các khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Trường Sa là nguồn tiếp sức lớn lao cho những chuyến vươn khơi, làm chủ biển Đông của ngư dân nước ta.

Đến với các đảo, các âu tàu trên quần đảo Trường Sa là đến với “ngôi nhà chung” của quê hương Việt Nam giữa mênh mông biển khơi. Nơi đây không chỉ giúp ngư dân thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Không xa đâu Trường Sa ơi!

373-202411241851317.jpg373-202411241851318.jpg

Trường Sa hôm nay cùng với sự quan tâm của đất liền đang ngày thêm khởi sắc. Dù đối với những người lần đầu đặt chân lên mảnh đất thiêng này hay ai đã có cơ hội nhiều lần đến với Trường Sa đều ngỡ ngàng, cảm mến. Với một tâm thế chung “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”, những hải trình đến với từng điểm đảo, mỗi nhà giàn đều chan chứa ân tình. Trong chuyến công tác của chúng tôi, rất nhiều thương yêu, quan tâm, sẻ chia đã được gửi đến quân và dân các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây Avà Nhà giàn DKI/8 - Quế Đường bằng những món quà vật chất và tinh thần thực sự ý nghĩa. Ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (nay là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: Qua chuyến công tác, chúng ta thấu hiểu nhiều hơn về sự cống hiến của quân và dân quần đảo Trường Sa. Chúng tôi thấy cần thiết phải dành nhiều sự quan tâm và tình cảm cho Trường Sa; đồng thời, chia sẻ nhiều hơn, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tinh thần bám biển bám đảo của quân và dân trên đảo Trường Sa để động viên quân và dân trên đảo Trường Sa vững niềm tin, bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

373-202411241851319.jpg373-2024112418513110.jpg

Đáp lại tình cảm của Đoàn công tác, cán bộ, chỉ huy đảo và các chiến sĩ trẻ bày tỏ quyết tâm “sẽ làm hết sức mình để Trường Sa giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài”.

Đó là lời hứa xuất phát từ trái tim, từ khối óc, từ tinh thần của những cán bộ, chỉ huy đảo và các chiến sĩ trẻ đang ngày đêm bảo vệ đảo xa. Lời hứa đã khiến trái tim của hơn 200 đại biểu trên chuyến hải trình rưng rưng xúc động, thương Trường Sa, yêu Trường Sa hơn bội phần… Anh Lành Mạnh Khoa, Trưởng phòng Cơ Yếu – Công nghệ thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy Lạng Sơn bùi ngùi: “Qua 7 ngày công tác, vượt hàng ngàn hải lý, được tới thăm tặng quà động viên chiến sỹ quân và dân trên đảo Trường Sa đối với tôi đây là chuyến đi ý nghĩa và lan tỏa cảm xúc tốt đẹp đối với Trường Sa thân yêu”.

Trong niềm xúc động, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang khẳng định: “Ai đã đến Trường Sa sẽ thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Mỗi người con đất Việt chúng ta, bằng cách riêng của mình, cần tích cực lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực để quân và dân ở Trường Sa - nơi “Tổ quốc phía mặt trời mọc” vững niềm tin, bền ý chí, chung tay dựng xây Trường Sa giàu mạnh, mãi tươi xanh, là niềm tự hào của Tổ quốc Việt Nam”.

Mai Chí Vũ

Mai Chí Vũ