Đối thoại cùng nông dân, khơi thông nguồn lực đất đai
(TN&MT) - Tại Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lắng nghe nông dân nói" diễn ra ngày 24/11, các vấn đề trong lĩnh vực đất đai như: Việc thi hành Luật Đất đai 2024 về các cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.... là những vấn đề được người dân và các địa phương rất quan tâm.
Nhiều nông dân là bị vướng vào các bất cập trong vấn đề đất đai
Gửi kiến nghị đến Diễn đàn, bà Trần Thị Lanh, HTX tiêu biểu năm 2024, thực hiện mô hình đại điền 100ha đất lúa ở xã Bình Minh (Kiến Xương, Thái Bình) cho hay: Hiện, người nông dân cho thuê ruộng vẫn có tâm lý sợ mất ruộng do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc thuê đất của người dân để sản xuất quy mô lớn của những nông dân có mong muốn làm đại điền như bà Lanh đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại của đại điền hiện nay là vấn đề mặt bằng, bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Diện tích canh tác lớn nhưng nông dân lại chưa có đủ điều kiện để thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc... Trong khi đó, xu thế hiện nay của nhiều đại điền Thái Bình là vừa canh tác lớn vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác. Do vậy, bà Lanh kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để phát triển hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đặt câu hỏi tới Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) băn khoăn, liệu thời gian tới, Nhà nước sẽ có cơ chế như thế nào để chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất đáp ứng như cầu của người dân?
Cùng kiến nghị với ông Nguyễn Mạnh Hiếu, bà Nguyễn Thị Biên, Nông dân xuất sắc đến từ tỉnh Thanh Hoá gửi đến Diễn đàn với những trăn trở, mong muốn Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Trung ương hội Nông dân Việt Nam cùng các bộ ban ngành có liên quan khác về chính sách hoặc giải pháp cụ thể giúp người nông dân tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp cận quỹ đất ven biển bỏ hoang để phục vụ phát triển kinh tế biển. Cụ thể là các chủ trương, biện pháp kiện toàn nhằm hỗ trợ phê duyệt càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho người nông dân có đất nuôi, trồng ngao trong năm 2025.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An), Nông dân Việt Nam xuất sắc đang sở hữu 1.000 ha đất trồng chuối xuất khẩu cho biết, từ hơn 20 năm trước lúc đó đất cần người sản xuất, Đảng và Nhà nước, từng địa phương có chính sách vận động thành lập nông lâm trường để đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm. Sau đó, mô hình này do quản lý không hiệu quả, nên dẫn đến mô hình này thoái trào giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu xây dựng đồng ruộng chỉnh sửa mặt bằng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm. Trong khi, nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất rất khó cho địa phương và người dân.
Từ đó, ông Huy xin được kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Luật Đất đai 2024 có quy định một phần diện tích nông nghiệp để xây kho, bãi
Liên quan đến câu hỏi của bà Trần Thị Lanh về vấn đề các thủ tục cho thuê, sử dụng đất, để sản xuất quy mô lớn (đại điền), Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay, Luật Đất đai năm 2024 đã có điểm rất mới, đó là tập trung tích tụ đất nông nghiệp. Riêng với phương thức cho thuê đất nông nghiệp, Nhà nước sẽ có chính sách để hỗ trợ trong việc đo đạc, cấp giấy, chỉnh lý trên hồ sơ địa chính đối với trường hợp dồn điền đổi thửa thì ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Còn các trình tự, phương án, trong Điều 77 và 78 của Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ, trong đó quy định cụ thể phần làm phương án sử dụng đất, làm sao để sử dụng đất có hiệu quả và trên cơ sở phương án sử dụng đất đó thì UBND cấp huyện sẽ xác nhận phương án.
Theo bà Đoàn Thanh Mỹ, ngoài trường hợp tập trung đất nông nghiệp theo hướng hợp tác, cho thuê, chuyển đổi đất nông nghiệp thì còn một phương thức nữa, đó là tích tụ đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn… thì trong Điều 194 Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể phương án này và tại Khoản 6 Điều 45 thì đã cho phép các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sẽ có phương án.
Liên quan đến vấn đề làm sao để có mặt bằng xây dựng kho bãi, bảo quản nông cụ sản xuất, nông sản, Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay, tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 cũng như tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 102/NĐ- CP đã quy định chi tiết phần phân loại đất, trong đó nhóm đất nông nghiệp khác sẽ có một phần diện tích để xây kho, bãi. Đây là những điểm rất mới tại Luật Đất đai năm 2024.
Bà con cần nắm rõ đâu là khu vực được quy hoạch
Liên quan đến đề nghị của bà Nguyễn Thị Biên – Nông dân đến từ tỉnh Thanh Hóa mong muốn được hỗ trợ một cơ chế để tiếp cận diện tích đất nuôi thả ngao và các loài nhuyễn thể khác; ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho hay, để mở rộng diện tích nuôi ngao, trước hết bà con cần nắm rõ được đâu là khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đồng thời khu vực đó có nằm quy hoạch của các dự án khác hay không.
Ông Chính cho biết, nếu chị Biên có mong muốn mở rộng diện tích nuôi ngao, ngoài ra, xây dựng làm kho, bãi, khu nuôi ngao giống nhân giống, thì theo Luật Đất đai năm 2024, có cho phép sử dụng một phần diện tích.
Về câu hỏi của ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), liên quan đến vấn đề thời gian tới, Nhà nước sẽ có cơ chế như thế nào để chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất đáp ứng như cầu của người dân? Ông Đào Trung Chính cho rằng, đại biểu "đừng nên lo ngại quá". Theo Luật Đất đai năm 2024, đã có những quy định rất "mới và mở". Nếu theo Luật Đất đai năm 2013, người dân có nhu cầu đất ở phải tham gia đấu giá nhưng tại điều 124 của Luật Đất đai năm 2024 thì quy định rất cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Trong đó, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không qua đấu giá trong các trường hợp sau đây:
Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa được giao đất ở, nhà ở;
Giao đất ở cho cá nhân là giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Giao đất ở cho cá nhân thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;
Giao đất ở cho cá nhân thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng;
Cho thuê đất đối với cá nhân có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 176 của Luật này; cho thuê đất đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại điểm d khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 16 của Luật này;
Cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất;
Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc;
Cho thuê đất đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
Cho thuê đất sử dụng vào mục đích hoạt động khoáng sản đối với trường hợp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép;
Giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài do được bồi thường bằng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, do được hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật này;
Giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất bị thu hồi đất sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này mà tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn sử dụng đất và người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng đất tại vị trí khác để tiếp tục sản xuất, kinh doanh;
Giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt theo quy định của Chính phủ. Giao đất, cho thuê đất theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại về đất đai của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành... Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nông lâm trường không sử dụng đất phải bàn giao cho địa phương
Trả lời câu hỏi của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An), Nông dân Việt Nam xuất sắc đang sở hữu 1.000ha đất trồng chuối xuất khẩu, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai cho biết, về vấn đề quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường, trải qua nhiều thời kỳ, lịch sử nguồn gốc đất đai đã được đặc biệt quan tâm, trong Luật Đất đai năm 2024 có nhiều chính sách linh hoạt hóa việc sử dug đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường này.
Để huy động nguồn lực đất đai, ông Phấn cho biết, Nhà nước cũng đã có quy định tích tụ đất đai, khi Doanh nghiệp có nhu cầu thì áp hình thức tích tụ, từ nhận chuyển nhượng của những đối tượng có giấy tờ sử dụng đất nông lâm trường đó, chỉ áp đấu giá đất nông lâm trường mà đã được bàn giao về địa phương, đã được đưa vào quỹ đất công của địa phương thì áp đấu giá, nhưng cũng có hình thức linh hoạt nữa là nhận chuyển nhượng như đã nêu trên. Luật đã quy định mở, quan trọng là chúng ta áp hình thức nào.
Theo ông Mai Văn Phấn, hiện nay, trách nhiệm lớn nhất là thuộc về địa phương, theo đó, vai trò của địa phương là phải quản lý làm sao để có giải pháp tốt nhất cho đất nông lâm trường hiện nay. Trong đó, địa phương phải xác định rõ đất nông lâm trường nào giữ lại phát triển sản xuất, diện tích nào không phát triển, diện tích nào lấn chiếm, diện tích nào hoang hóa, để có ứng xử phù hợp. Nông lâm trường không sử dụng đất phải bàn giao cho địa phương, ưu tiên cho những người nhận giao khoán, và Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.