Trong nước

Đề nghị kiểm soát hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới

Khương Trung 23/11/2024 - 20:54

(TN&MT) - Để kiểm soát các rủi ro với môi trường và sức khoẻ con người, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần bổ sung thêm các quy định về quản lý, xử phạt các hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa; vận chuyển, tồn trữ hóa chất…

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại hội trường.

202411231555348238_z6061710484922_581a00b188e4fef83585b585473a4858.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi),

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Hóa chất đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt là sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành.

Bên cạnh đó, để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn trao đổi, bổ sung và góp ý một số vấn đề để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét.

Kiểm soát rủi ro hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới

Theo đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), về Điều 1 phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật hiện đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh liên quan đến hoạt động hóa chất và phát triển công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung nội dung cụ thể hơn về phạm vi quản lý đối với hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới, đặc biệt là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cao với môi trường và sức khỏe của con người.

202411231437534427_z6061502731831_c6c30d5a98da7e55da790fc02c77be1c.jpg
Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

“Việc này sẽ đảm bảo tính toàn diện của luật, đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu của hóa chất mới.” - đại biểu Quân nhấn mạnh.

Về Điều 45 đăng ký hóa chất mới, đại biểu Quân cho rằng, khoản 3 điều này đã quy định các yêu cầu đăng ký hóa chất mới phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng và an ninh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế cấp phép nhanh đối với hóa chất sử dụng trong các tình huống khẩn cấp như phòng, chống thiên tai và dịch bệnh. Quy định này sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp thiết, đồng thời vẫn tuân thủ các yêu cầu về an toàn hóa chất.

Quy định chặt chẽ về các hành vi bị cấm

Về hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn Tp.HCM) đề nghị nghiên cứu, bổ sung khoản 7 Điều 7 của Luật Hóa chất (sửa đổi), đó là cấm đối với hành vi sử dụng hóa chất sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhằm ngăn chặn một số hành vi đang diễn ra hiện nay.

202411231518464202_z6061608531480_3c28898a80ef697db77452e5888ccf29.jpg
đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn Tp.HCM)

“Ví dụ, một số tổ chức, cá nhân sử dụng khí N2O là một phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, một số nơi kinh doanh bóng cười bán cho người sử dụng trực tiếp tại một số cơ sở kinh doanh giải trí như quán bar, karaoke gây tổn hại sức khỏe đến người sử dụng.” - đại biểu Thức nêu vấn đề.

Đồng quan điểm với đại biểu Thức, đại biểu Nguyễn Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, trong thời gian qua, Luật Hóa chất năm 2007 cũng như Nghị định 113 của Chính phủ mặc dù đã có những quy định về việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng chất xyanua.

Đại biểu lấy ví dụ trong thời gian qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất xyanua như vụ án tại tháng 12/2019 một đối tượng nữ tại tỉnh Thái Bình đã sử dụng xyanua bơm vào các ly trà sữa để đầu độc chị họ của mình, hành động tàn ác này đã cướp đi sinh mạng của một phụ nữ vô tội và diễn ra ngay tại một bệnh viện. Hay gần đây là vụ án dùng xyanua đầu độc hàng loạt người ở Bình Dương đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng vì hành động này đã diễn ra lặp đi lặp lại trong thời gian dài…

202411231518464202_z6061608091625_291dcfb8b6079126fa31a80d47cc64ad.jpg
đại biểu Nguyễn Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Do đó đại biểu Thu đề nghị cần rà soát, xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, sử dụng sẽ có nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe của con người.

Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về vận chuyển, tồn trữ hóa chất

Về Điều 19 vận chuyển hóa chất, dự thảo hiện quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm; trách nhiệm hạn chế hậu quả, khắc phục xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ giúp rõ ràng trách nhiệm pháp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.

202411231440048046_z6061510492777_585327b5cd8fe37739a956988b7cce17.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang)

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), một số nội dung quy định đối với việc tồn trữ hóa chất vẫn chưa rõ. Những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất, trong đó có hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm vẫn có nội dung còn chung chung, chưa đảm bảo chặt chẽ và an toàn trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo:

Một là, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mỗi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất có điều kiện.

Hai là, bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, nhất là trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông, trên biển.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) phân tích, tại khoản 1 và khoản 2 quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm, đại biểu cho rằng 2 khoản này nên gộp thành 1. Cụ thể là “tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ theo quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 59, khoản 4 Điều 60 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), với nội dung về bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng. Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, phần lớn các điều trong Chương VII của dự thảo luật hiện chỉ quy định các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa có quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng như nội hàm của tên chương đã xác định.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm sâu sắc và đầy đủ hơn những quy định liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, tiếp tục rà soát, thể chế hóa nội dung xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước trong Kết luận 36 của Bộ Chính trị;

Cụ thể hóa nội dung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng trong Kết luận 81 của Bộ Chính trị, qua đó nhằm tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, chuyển đổi số sử dụng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất;

tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ quyền con người, bổ sung quy định về chính sách theo hướng coi trọng, thúc đẩy, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế…

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung quy định tại các luật có liên quan như Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường và cả các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này như dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để các quy định tại dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhất là liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng được đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Khương Trung