Biển đảo

Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanhBài cuối: Những tín hiệu vui và bài học kinh nghiệm

Lê Thị Hảo 22/11/2024 - 17:59

(TN&MT) - Với những thành quả bước đầu, chúng tôi mong muốn chia sẻ một số bài học kinh nghiệm. Đồng thời, bày tỏ sẽ viết tiếp ước mơ xây dựng Quảng Phú yêu dấu ngày càng xanh sạch đẹp và phát triển bền vững trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.

Những “quả ngọt”

Cùng với áp dụng nghiên cứu thực nghiệm vào sản xuất, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền vận động học sinh không đốt rơm rạ để hạn chế ô nhiễm môi trường và tận dụng tài nguyên rơm rạ cho cải tiến sân. Thời gian đốt rơm, rạ thường rơi vào mùa hè là thời điểm phụ huynh bận rộn (thời điểm này ngư dân vừa làm muối, đánh bắt, chế biến thủy hản sản, vừa thu hoạch lúa, thu hoạch cây rừng ở địa phương) nên việc đốt rơm rạ thường được phụ huynh giao cho các em, vì vậy, công tác tuyên truyền không đốt rơm rạ được chúng tôi “nhắm” vào nhóm đối tượng là học sinh.

Ngày hội truyền thông “Nâng cao nhận thức về rơm, rạ” được tổ chức trong nhà trường với nhiều hình thức phong phú như múa hát, văn nghệ, sân khấu hóa. Tiểu phẩm “Rơm, rạ là vàng” đã được các em học sinh trong câu lạc bộ truyền thông thể hiện sinh động với nội dung nêu lên vai trò của rơm, rạ trong phát triển nghề làm muối truyền thống của diêm dân ven biển và tác hại của việc đốt rơm, rạ cũng như muốn có nguồn muối sạch thì yếu tố đầu tiên nước biển phải sạch, muốn làm được vậy thì tất cả mọi người phải chung tay bảo vệ môi trường biển để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống.

thông 1
Hình ảnh của “Ngày hội truyền thông”
thông 2
Hình ảnh của “Ngày hội truyền thông”
Hình ảnh của “Ngày hội truyền thông”

Sau các buổi tuyên truyền là hoạt động trải nghiệm, nhà trường sẽ phối hợp với hợp tác xã muối tập huấn hướng dẫn học sinh, phụ huynh trực tiếp tham gia các công đoạn cải tiến bề mặt sân bê tông phơi muối giúp bà con diêm dân. Học sinh sẽ được trải nghiệm đủ các bước trong quy trình, đặc biệt là các công đoạn cuối để chính mắt các em chứng kiến những kết quả tích cực từ việc so sánh kết quả truyền thống và kết quả sau cải tiến sân. Hoạt động tập huấn được 322 diêm dân và 319 em học sinh ở vùng sản xuất muối ven biển tích cực hưởng ứng tham gia.

tập huấn 1
Hình ảnh các em học sinh và phụ huynh tham gia tập huấn
z4821657283484_14b1645d29571caf034ccde2ba67ea37
Hình ảnh các em học sinh và phụ huynh tham gia tập huấn

Với phương pháp truyền thông đa dạng, linh hoạt, dễ hiểu; nội dung tập huấn gắn liền với đời sống thực tiễn, phù hợp với đặc điểm văn hóa, trình độ nhận thức, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương ven biển, các sáng kiến trên đã đạt được kết quả nhất định như: a) Có 322 Diêm dân biết đến phương pháp cải tiến bề mặt sân bê tông từ rơm, rạ và ứng dụng vào trong sản xuất muối ở gia đình, đồng thời có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ môi trường biển, không đốt rơm rạ. b) Về tiêu dùng xanh, giảm nhựa, có 853 người, trong đó có 745 em học sinh trong nhà trường, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường, 57 phụ huynh đại diện Ban Phụ huynh của 19 lớp, 3 đồng chí Ban Chấp hành Đoàn xã địa phương, 5 hộ gia đình kinh doanh đồ ăn trước khu vực cổng trường và 4 hộ gia đình chuyên trồng chuối, trồng cau của xã được nâng cao hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe, môi trường, đồng thời biết làm các sản phẩm đĩa, hộp đựng đồ ăn từ lá chuối, lá bàng, mo cau. Điều này được chứng minh qua kết quả khảo sát ngẫu nhiên của các em học sinh về rác thải nhựa sau các hoạt động truyền thông được thể hiện qua bảng số liệu sau.

Về nhận thức, hiểu biết

Trước truyền thông
Sau truyền thông
Thang điểm
Số lượng HS
Tỉ lệ (%)
Số lượng HS
Tỉ lệ (%)
1.0 - 4.9
610
81,9
62
8,5
5.0 - 6.5
117
15,7
145
19,5
6.6 - 7.9
18
2,4
473
63,4
8.0 - 10
0
0
65
8,6
Tổng
745
100%
745
100%

Bên cạnh kết quả đạt được, về nhận thức thúc đẩy thay đổi hành động, bước đầu có 487/745 (66,7%) học sinh tích cực tham gia các hoạt động xanh, hạn chế sử dụng nhựa. Các em tự mang bình nước cá nhân, không sử dụng hộp xốp để đựng đồ ăn sáng.

Tại địa phương, diện tích trồng chuối tăng từ 3ha lên 6ha để đáp ứng nguồn nguyên liệu (riêng lá bàng có sẵn cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình).

Bước đầu, đã thu gom được 600kg nhựa từ chai, lon nước giải khát, bán được 3.000.000đ, mua được 5 thùng đựng rác để phân loại rác thải tại nguồn trong nhà trường (trị giá 3.000.000). Qua các hoạt động nhóm, đã phối hợp với Đoàn Thanh niên của xã tổ chức được 6 đợt thu gom rác thải nhựa làm sạch tại 6km bờ biển xã Quảng Phú, thu hút sự tham gia của 210 Đoàn viên thanh niên trong xã, hoạt động được tổ chức thường xuyên thu hút và thúc đẩy người trẻ chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường biển.

Và bài học kinh nghiệm

Để các hoạt động truyền thông và ứng dụng sáng kiến triển khai hiệu quả, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp; sự phối hợp đầy trách nhiệm của hợp tác xã muối, hội nông dân Quảng Phú; sự tham gia tích cực của Đoàn thanh niên địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn cho bà con nhân dân và các em học sinh; sự đoàn kết của các thành viên trong Câu lạc bộ. Đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tạo điều kiện từ Ban Giám hiệu nhà trường.

Bắt đầu từ khi các cô giáo trình bày ý tưởng thành lập Câu lạc bộ vì môi trường đến xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức các sự kiện và đặc biệt là triển
khai áp dụng các sáng kiến giảm nhựa, tiêu dùng xanh, tận dụng rơm rạ cải thiện sân phơi tăng sản lượng sản xuất muối, Ban Giám hiệu chúng tôi luôn động viên, khích lệ cũng như tạo điều kiện để các cô triển khai hoạt động. Chúng tôi thực sự hãnh diện, tự hào vì có những gương giáo viên sống xanh điển hình như thế.

Cô Lưu Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình)

Quá trình triển khai các sáng kiến, chúng tôi đã tận dụng các nguồn lực có sẵn trong nhà trường như loa máy, ti vi, máy chiếu, địa điểm phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tập huấn. Trong Chi đoàn, chúng tôi có sẵn nguồn lực đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt đáp ứng các yêu cầu của hoạt động truyền thông như giảng dạy Stem tái chế rác thải nhựa, đồng chí Phạm Ngọc Tính giáo viên mỹ thuật phụ trách hoạt động thi vẽ tranh truyền thông về chủ đề, đồng chí Hoàng Anh Tuấn giáo viên âm nhạc phụ trách hoạt động ngoại khóa “Ngày hội truyền thông”, đồng chí Trần Quang Phú giáo viên Tin học phụ trách hoạt động làm video và thiết kế tờ rơi, đồng chí Lưu Thị Thanh Thủy có 8 năm kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp với các hoạt động như đổi rác thải nhựa lấy quà, biểu diễn thời trang tái chế, và bản thân tôi đã có kinh nghiệm trong hoạt động tập huấn, hướng dẫn thực hiện các sáng kiến xanh… Đây là nguồn lực mà tất cả các nhà trường và các trường THPT đều có về đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tập huấn nên hoàn toàn có thể triển khai nhân rộng các sáng kiến trên ra nhiều địa phương.

Nhận thức rõ địa phương chính là mảnh đất để hiện thực hóa sáng kiến, sáng tạo, ý tưởng và sáng kiến phải “sống” được, phục vụ được lợi ích xã hội, người dân, vận dụng được tại địa phương, cơ sở…, chúng tôi đã linh hoạt hóa các hình thức truyền thông phù hợp với văn hóa vùng miền, sở thích lứa tuổi, trình độ nhận thức của các em học sinh. Các hoạt động trải nghiệm gắn kiến thức với thực hành cũng phải được tổ chức phù hợp với các yếu tố trên. Đặc biệt chúng tôi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (như sử dụng lá chuối, lá bàng, bẹ cau làm các sản phẩm đĩa, hộp đựng đồ ăn thay cho hộp xốp nhựa, hay tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là rơm rạ để cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường biển) để gắn hoạt động với hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sản xuất tại chỗ.

Một trong các yếu tố chúng tôi chú trọng là mang lại lợi ích cho người dân và chỉ ra cho người dân thấy được lợi ích đó để tích cực tham gia các hoạt động chúng tôi triển khai. Cụ thể như việc triển khai hoạt động truyền thông và ứng dụng sáng kiến vào thực tiễn sẽ mang lại những tác động tích cực nào, những lợi ích gì cho người dân, địa phương? Chỉ khi có thể trả lời được những câu hỏi đó thì chúng tôi mới bắt tay vào triển khai. Rõ ràng, không chỉ làm thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường, ứng xử với rác, rác thải nhựa mà về mặt kinh tế, các sáng kiến đã góp phần tạo sinh kế cho các hộ kinh doanh; thúc đẩy mở rộng diện tích cây trồng đáp ứng nguồn nguyên liệu; giúp bà con diêm dân tăng năng suất muối so với phương pháp sản xuất truyền thống. Đây là những yếu tố có giá trị kích cầu mạnh mẽ.

Đặc biệt là các sáng kiến trên có liên quan mật thiết với nhau tạo thành vùng kinh tế biển liên hoàn, ràng buộc trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ môi trường biển, tiêu dung xanh, sản xuất xanh, để ngư dân yên tâm bám biển, diêm dân sản xuất muối sạch trên cơ sở nguồn nước biển sạch.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm học 2024 - 2025, góp phần chung tay bảo vệ đại dương xanh, gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương ven biển, chúng tôi đang phối hợp với Đoàn trường THPT Quang Trung đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn cho các em học sinh, phụ huynh trong nhà trường và cùng nhau thực hiện các chiến dịch tình nguyện “Vì màu xanh của biển”.

Lê Thị Hảo
Giáo viên Trường THCS Quảng Phú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Lê Thị Hảo