Trong nước

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, vàng mã

Thanh Tùng 22/11/2024 - 14:47

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, rượu, vàng mã, hàng mã và tăng thu ngân sách Nhà nước, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tăng mạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng này.

Sáng 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông chủ trì phiên thảo luận.

22.jpg
Các đại biểu tại Tổ 15 thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Tăng mức chịu thuế đối với rượu, bia, vàng mã

Tham gia phát biểu tại Tổ, các đại biểu đều bày tỏ tán thành về sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB. Theo các đại biểu, qua 16 năm thực hiện Luật thuế TTĐB đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên qua đánh giá Luật đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để thể chế hoá kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lực cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 2 về đối tượng chịu thuế quy định thuế đối với thuốc lá: Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mạnh thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá. Đại biểu thông tin, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới thì Việt Nam có trên 15,6 triệu người hút thuốc lá, chiếm 22,5 dân số; đồng thời là nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, với số lượng tiêu thụ hằng năm khoảng hơn 4 tỷ bao thuốc lá 1 năm. Mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 49.000 tỷ đồng để mua và khoảng 108.000 tỷ đồng để dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2019, giá trung bình 1 bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam khoảng 20.000 đồng một bao, thấp hơn nhiều so với giá trung bình ở các quốc gia và chúng ta ở trong số các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trên thế giới. Mặt khác, thu nhập của người dân tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Do vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, đại biểu kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn.

“Nếu áp dụng mức thuế 5.000 đồng một bao từ năm 2026, bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% đang áp dụng thì sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 14.000 tỷ đồng một năm. Từ năm 2027 đến năm 2029, mỗi năm tăng thuế TTĐB thêm 3.000 đồng một bao thuốc lá. Như vậy đến năm 2030, áp dụng mức thuế 15.000 đồng một bao thuốc bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% đang áp dụng thì mới đảm bảo đủ mạnh để giảm tỷ lệ người hút thuốc”, đại biểu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng chịu thuế là thuốc lá điện tử.

33.jpg
Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận

Đối với mặt hàng rượu, bia quy định tại điểm b, điểm c khoản 1, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, hiện nay tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề về xã hội. Giá rượu, bia của Việt Nam thì hiện nay cũng rất rẻ, sức mua tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh, trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng bia, rượu đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu tăng.

Theo đại biểu, tính toán của các tổ chức khoa học, nếu tăng thuế TTĐB đối với bia và rượu trên 20 độ từ mức 65% hiện nay lên mức 85% thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, để đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, tương lai của đất nước, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia lên 85% ngay sau khi Dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, mỗi năm tăng thêm 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2029, bao gồm cả rượu dưới 20 độ.

Đối với mặt hàng vàng mã, hàng mã quy định tại khoản 1, Điều 2, đại biểu Khang Thị Mào cho biết, nhiều năm trở lại đây, việc đốt các loại tiền vàng mã, hàng mã trong thực hành nghi lễ của người Việt Nam có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Việc lạm dụng vàng mã hiện bộc lộ những vấn đề tiêu cực, làm mất đi giá trị đích thực tốt đẹp của tín ngưỡng người dân Việt Nam. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng thuế vàng mã, hàng mã lên 80% để người dân hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay gây lãng phí và giúp nhà nước thực hiện chính sách điều tiết tiêu dùng, giảm thiểu việc tiêu dùng hoang phí vào những loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ và không quá cần thiết.

Không đưa mặt hàng xăng vào diện chịu thuế

Tham gia phát biểu tại Tổ, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thống nhất với sự cần thiết phải ban hành luật. Góp ý vào quy định tại khoản 1, Điều 2 về đối tượng chịu thuế của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, điểm a khoản 1 quy định thuốc lá bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi... Tuy nhiên, cần bổ sung rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng hoặc hình thức xử lý đối với các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng thuế. Đại biểu đề nghị bổ sung các dạng thuốc lá điện tử vào điểm a.

Tại điểm h khoản 1, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ : “trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay”. Theo đại biểu, không nên quy định các trường hợp loại trừ như trên vì quy định trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay rất dễ bị lợi dụng để không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, dù sử dụng vào mục đích gì thì cũng phải trải qua quá trình sản xuất, lưu thông, mua bán, trao đổi.

55.jpg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị không đưa mặt hàng xăng các loại (xăng thường, xăng E5, xăng E10) quy định tại điểm g khoản vào diện chịu thuế TTĐB, vì mặt hàng xăng đã phải trả thuế bảo vệ môi trường. Đại biểu cho rằng, việc đánh thuế TTĐB đối với xăng làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng lạm phát.... Hơn nữa, việc đánh thuế TTĐB với xăng nhưng không đánh thuế TTĐB với dầu diesel, sẽ không bảo đảm công bằng, trong khi dầu diesel là một chế phẩm nhiên liệu thay thế xăng, có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét việc đưa mặt hàng “Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000BTU trở xuống” quy định tại điểm h, khoản 1 cũng phải chịu thuế suất TTĐB. Bởi theo đại biểu, trong xu thế hiện này việc sử dụng điều hòa đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với bất cứ người dân nào trong cuộc sống và công việc....

Về đối tượng không chịu thuế quy định tại Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị biên tập lại điểm a theo hướng bỏ bớt một cụm từ “trong định mức được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” để tránh trùng lắp (cụm từ này được sử dụng 02 trong điểm a là không cần thiết). Đồng thời, cần làm rõ hơn về các loại đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài được miễn trừ ngoại giao để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định tại điểm d khoản 2.

Đối với quy định về thuế suất tại Điều 8, đại biểu cho rằng, theo Biểu thuế suất tiêu thụ đặc biệt tại Điều 8 đưa ra hai phương án, đại biểu thống nhất chọn các phương án như sau: Đối với các hàng hóa như: thuốc lá, rượu, bia đề nghị lựa chọn phương án 2, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện có hiệu quả của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, rượu, bia, nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá, rượu, bia gây nên.

Đối với hàng hóa là “xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học thuế suất bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d....” của Biểu thuế là vẫn còn quá cao, chưa có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ loại hàng hóa thân thiện với môi trường này phát triển trong xu thế hiện nay; vì vậy, đại biểu đề nghị giảm xuống khoảng 30% đến 40%.

Thanh Tùng