COP29: Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu
(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra nhằm thống nhất Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG).
Khoản tiền này dùng để triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bù đắp tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển.
Chủ trì các cuộc đàm phán nội dung này, các Bộ trưởng của Ai Cập và Australia chỉ ra những vấn đề trọng tâm đang còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm: Số tiền hỗ trợ và cấu trúc của NCQG; các công cụ tài chính và cơ sở để các Bên tham gia đóng góp tài chính.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP 29 liên tục có các cuộc đàm phán kỹ thuật cùng với tham vấn cấp Bộ trưởng, đặc biệt là liên quan đến khía cạnh số tiền hỗ trợ trong NCQG. Ba đề xuất về số tiền được các nước phát triển cần cam kết trong NCQG là 400 tỷ USD, 600 tỷ USD và 900 tỷ USD. Những vấn đề cần giải quyết để có thể quyết định nguồn lực đưa ra trong NCQG như: làm rõ đối tượng đóng góp và nguồn đóng góp, khả năng nhận tài chính của các quốc gia đang phát triển và dự báo tác động.
Sáng nay 21/11, COP29 đã đưa ra dự thảo tài liệu đàm phán mới nhất về NCQG. Mặc dù đã giảm còn 10 trang so với 35 trang ban đầu, nhưng những nội dung quan trọng nhất vẫn chưa được thống nhất. Bản dự thảo tài liệu đàm phán vẫn chưa chỉ ra được số tiền hỗ trợ, vẫn còn nhiều lựa chọn để tiếp tục đàm phán: Hoặc chọn [x] tỷ USD mỗi năm do các Bên nước phát triển cung cấp; hoặc mở rộng tài chính lên [x] nghìn tỷ USD mỗi năm từ tất cả các nguồn tài chính.
Tại Hội nghị đối thoại cấp cao Bộ trưởng về tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu, Đoàn đàm phán Việt Nam đã nêu lên quan điểm đối với nội dung này.
Thứ nhất, bổ sung kinh phí cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu; Tập trung cân bằng cho tài chính khí hậu để nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu tương đương nguộn lực cho giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ đầu tư từ khu vực tư nhân trong thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua tài chính ưu đãi, các nguồn viện trợ và cải thiện cơ chế tiếp cận các quỹ song phương và đa phương.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện kịp thời, hiệu quả cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả các nguồn lực tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu.