Biển đảo

Phát triển kinh tế biển xanh và góc nhìn thực tiễn ở Quảng BìnhBài 1: Phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam

Nguyễn Thị Bảo Yến 08/11/2024 20:21

(TN&MT) - Kinh tế biển xanh là nền kinh tế vừa bảo đảm cho kinh tế phát triển, vừa bảo đảm được sự phát triển của các hệ sinh thái biển thông qua các phương thức, như giảm phát thải các-bon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Việc phát triển kinh tế biển xanh thể hiện rõ vai trò của việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái biển, hay còn gọi phát triển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái. Hiện Việt Nam đang quyết tâm cải cách kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó kinh tế biển xanh tiếp tục được quan tâm. Kinh tế biển xanh cũng trở thành một trong những ngành quan trọng của Quảng Bình.

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu..., trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng.

b1.-anh-1.-khai-thac-thuy-san-ben-vung-tai-khanh-hoa-anh-vgpminh-trang.jpg
Khai thác thủy sản bền vững tại Khánh Hòa - Ảnh VGPMinh Trang

Ô nhiễm môi trường biển làm chậm quá trình phát triển

Phát triển kinh tế biển ở nước ta thời gian qua đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước, cơ cấu ngành, nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu đem về một lượng ngoại tệ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hình thành một số trung tâm phát triển để hướng ra biển.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia có biển, Việt Nam đang gặp một số vấn đề khó khăn trong phát triển kinh tế biển do ô nhiễm môi trường biển và rác thải nhựa đại dương.

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập về vấn đề này như: “Khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao”; hoạt động bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học diễn ra chậm; Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; Số lượng các loài động vật và thực vật bị suy giảm, mức độ đe dọa sự sinh tồn các loài động vật hoang dã tiếp tục tăng; Biến đổi khí hậu tiếp tục gây ra những tác động rõ rệt đến môi trường tự nhiên, làm gia tăng các loại thiên tai cả về số lượng và quy mô; Ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến... trong đó có môi trường biển.

Thực tế, ô nhiễm môi trường biển, đảo Việt Nam có nhiều nguyên nhân, song có một số nguyên nhân chính:

Một là, ô nhiễm môi trường biển từ nuôi trồng và khai thác thủy sản

Quá trình nuôi trồng thủy sản làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân 1 héc-ta nuôi tôm thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn héc-ta tương ứng sẽ có gần 3 triệu tấn chất thải rắn thải ra mỗi năm.

b1.-anh-2.-beo-luc-binh-tan-cong-bo-bien-quang-ngai-8.2023.-anh.-nguyen-trang.png
Bèo lục bình tấn công bờ biển Quảng Ngãi 8.2023. Ảnh. NGUYỄN TRANG
b1.-anh-2.png
Bèo lục bình tấn công bờ biển Quảng Ngãi 8.2023. Ảnh. NGUYỄN TRANG

Hai là, nhiều chất thải công nghiệp chưa được xử lý, đổ thẳng ra cửa biển

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, với tốc độ phát triển kinh tế quá “nóng” như hiện nay, có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ lục địa mà chủ yếu là do chất thải từ các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống sử dụng công nghệ lạc hậu chưa qua xử lý. Tại Việt Nam, với hơn 100 con sông chảy ra biển, khoảng 880 km3 nước/năm và 270 - 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển...

Ba là, biển ô nhiễm do tràn dầu

Dẫn một số tài liệu thông qua việc cung cấp thông tin từ ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Trong khoảng 30 năm (tính từ năm 1992), đã có khoảng 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam. Trong đó có 37 vụ ngoài khơi chiếm 19%, 88 vụ ven bờ chiếm 47% và 65 vụ trên đất liền chiếm 34%. Như vậy chúng ta có thể thấy các sự cố tràn dầu trên đất liền chiếm một lượng không hề nhỏ…

Bốn là, ô nhiễm môi trường biển, đảo do phát triển du lịch

Du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Song, ngành này cũng đang trở thành một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển, đảo. Ngành du lịch biển đã phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch và công tác quản lý kém, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa được đầu tư xử lý nước thải nên chủ yếu xả thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

b1.-anh-3.-rac-thai-troi-dat-tu-noi-khac-den-bien-quang-binh-hoi-thang-9-2024.-anh-nhat-anh.png
Rác thải trôi dạt từ nơi khác đến biển Quảng Bình hồi tháng 9-2024. Ảnh Nhật Anh

Năm là, dân số tăng nhanh và di dân tự do

Tỷ lệ tăng dân số ở vùng biển thường cao hơn trung bình cả nước do nhu cầu cần người đi biển khai thác tài nguyên phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là sức ép từ việc phát triển kinh tế hướng ra biển, làm giàu từ biển đã dẫn đến việc gia tăng di dân tự do. Dân số tăng cao làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ tài nguyên và thải vào môi trường biển lượng lớn chất thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường biển.

Một số giải pháp

Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững”.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tập trung nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển, gắn với hình thành kinh tế đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế mạnh.

b1.-anh-4.-ngu-dan-xa-bao-ninh-tp.-dong-hoi-dem-rac-thai-vao-bo..png
Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ.

Mục tiêu phát triển kinh tế biển được Đảng đặc biệt chú trọng phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng sẵn có; phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới phải dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh, trong đó quan trọng nhất là phát triển phải gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của các ngành, các cấp trong bối cảnh hiện nay.

b1.-anh-4a.-anh-p.-nguyen.png
Ảnh P. Nguyễn

Để phát triển kinh tế biển xanh, về suy nghĩ cá nhân, tôi xin đóng góp một số nội dung sau:

Trước hết, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình Biển Đông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển nhằm bảo vệ môi trường lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác trên biển theo tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, chủ quyền biển, đảo và quyền lợi quốc gia trên biển.

Thứ hai, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo; triển khai quy hoạch tổng thể về sử dụng tài nguyên biển, làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế cho từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương liên quan đến biển; Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển.

Thứ ba, tuyên truyền sâu, rộng hệ thống pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường biển vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu. Phát triển và đa dạng hóa các ngành, nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển và ven biển được tốt hơn. Đây là những việc làm thiết thực, tạo cầu nối vững chắc giữa các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương, địa phương với những doanh nghiệp hoạt động kinh tế biển và nhân dân vùng duyên hải.

Nguyễn Thị Bảo Yến
Bí thư đoàn thanh niên phường Đồng Phú, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình

Bài 2: Phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Bình hiện nay và những năm tiếp theo

Nguyễn Thị Bảo Yến