Xã hội

Tăng cường truyền thông phòng chống thuốc lá

Khánh Ly 21/11/2024 - 16:04

(TN&MT) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá. Đối tượng tập huấn là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tính đến nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình; 77 kênh phát thanh, 194 kênh truyền hình trong nước; 57 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam.

Với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.

z6055254963357_066f38c7a5ae39941ad92862dac7a72a.jpg
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Các Báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma tuy trái phép.

Cụ thể, trong quý I năm 2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tư, môi trường. “Việc các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là việc làm cần thiết trong thời gian này” - ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.

Trong buổi tập huấn, các chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng đã chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong việc triển khai công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ và học sinh, sinh viên.

z6055255333487_283291ee2b10a4fc54901f4e75c570af.jpg
Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ thực tế thuế thuốc lá tại Việt Nam và thế giới

Một trong những giải pháp trọng tâm phòng chống thuốc lá chính là tăng thuế thuốc lá. Đây có thể xem là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm sử dụng thuốc lá. WHO ước tính rằng việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ lên 10% có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4 - 5%.

Theo Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế thuốc lá và giá bán lẻ ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới cũng như ngay trong khu vực ASEAN. Mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn theo thời gian.

Tương tự, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu của Việt Nam là khoảng 36% so với 59% ở các nước thu nhập trung bình và 62% trên toàn cầu, và thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO là 75% giá bán lẻ.

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi năm 2014, thuế suất hiện hành đối với thuốc lá là 75%, nhưng tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và các nước ASEAN (Thái Lan 81,3%, Indonesia 63,5%, Singapore 67,5%, Malaysia 51,6%). Phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, với mức thuế trên giá bán lẻ từ 70-75%.

Ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc tăng thuế thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Ông Dương đề xuất, Việt Nam cần áp dụng cơ chế thuế Tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá và tăng cường truyền thông về yêu cầu này, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

z6055255102447_677cdd11343cfe341db83b8f6aa14511.jpg
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) trình bày tại Hội nghị

Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, việc tăng thuế sẽ giúp giảm dần số người sử dụng thuốc lá. Mặc dù giá thuốc lá tại Việt Nam hiện khá rẻ so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu thuế được tăng lên theo mức khuyến nghị, có thể sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ tuổi.

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế và tổ chức này đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với sản phẩm thuốc lá, ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

z6055255228430_dc79cfcb60871302f5d01b841f7d0be6.jpg
Đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tham dự hội nghị

Phương án này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc mà còn tạo nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia, dự báo sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá vào năm 2030.

Khoảng 15 triệu người Việt Nam đang hút thuốc, và hàng chục triệu người khác chịu ảnh hưởng của thuốc lá thụ động. Do đó, việc triển khai các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là tăng thuế thuốc lá, là rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng y tế cho xã hội.

Khánh Ly