Biển đảo

Biển xanh nhờ rừng - Bài 1: Trồng rừng cho biển thêm xanh

Đình Giang 01/11/2024 15:47

(TN&MT) - Tuyến đê biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thuở ấy trơ trọi, mỏng manh trước những cơn bão biển, triều cường đe dọa. Sau mỗi lần thủy triều rút, rác thải lại ngập ngụa tấn công vào khu dân cư… Để biển hài hòa hơn với con người, những cánh “rừng ngập mặn” đã trở thành “lá chắn xanh” bền vững!

“Thăng - trầm” cánh rừng ngập mặn

Trong ký ức của người dân làng biển Hậu Lộc, tuyến đê địa phương kéo dài qua các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc… ngày ấy chỉ là con đê địa phương được kè bằng đất, đá, cao trình không đủ để chống chọi một cơn triều cường nhẹ. Mỗi khi có bão gió, bà con các làng chài lại đứng ngồi không yên, lo biển “nuốt làng”. Bà con lo cũng là phải, bởi suy cho cùng, sức của con người so với thiên tai, địch họa là quá nhỏ bé. Có thời điểm, nói như ông Vũ Văn Trung - Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc, thì chính quyền các xã ven biển đã phải phát loa cảnh báo, tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân trước khi bão đổ bộ.

z6054012321286_ff59e94ed8eaa5691049710c3b1f1397.jpg
Người dân ven biển huyện Hậu Lộc mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn

Cơn bão số 7 năm 2005 với người dân vùng ven biển nơi đây mỗi khi nhắc lại hãy chưa hết hãi hùng. Khi ấy, bão đến rồi đi một cách chóng vánh, nhưng lại tung ra một cú “đòn” chí mạng phá vỡ hầu hết hệ thống tuyến đê bao, gây thiệt hại lớn đến tài sản cũng như hoa màu cho người dân. Hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản bị nước biển xâm thực, nhiều gia đình lâm cảnh khốn khó sau bão. Riêng tuyến đê dài 5km chỉ còn vỏn vẹn hơn 100m, đó là nhờ vào sự che chắn, bảo vệ bởi thảm rừng ngập mặn.

Năm 2006, tuyến đê được bộ, ngành Trung ương đưa vào diện quyết tâm xây dựng từ đê địa phương thành đê Trung ương. Bà con nơi đây nhớ, cái sự quyết tâm ấy được nhân thêm sức mạnh từ sự chung tay của người dân các xã ven biển. Có đê kiên cố, bà con quý trọng, giữ gìn. Nhưng rồi, để bảo vệ con đê thì rất cần giải pháp lâu dài. Và, chuyện 100m đê còn sót lại sau cơn bão số 7 được người dân lấy làm minh chứng cho việc phải phát triển rừng ngập mặn. Dựa vào rừng ngập mặn để bảo vệ đê, bảo vệ dân làng.

Nhiều những cánh rừng được bà con nhân dân, tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thông qua các dự án được triển khai, như dự án của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản; dự án CARE Quốc tế và Chính phủ Việt Nam; dự án từ quỹ Nhi đồng quốc tế,… Giờ đây, dải bờ biển Hậu Lộc đã được xanh hóa bằng những cánh rừng ngập mặn, ngăn sóng gió, triều cường, chống sạt lở và nước biển xâm thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho bà con ven biển.

Trong câu chuyện với bà con làng biển nơi đây, ngoài việc khắc chế sự ảnh hưởng từ bão biển, triều cường bằng vai trò của những cánh rừng ngập mặn, thì người dân ven biển còn phải đối mặt với một “cuộc chiến” khác, đó là cuộc chiến bảo vệ những cánh rừng trước vấn nạn rác thải, sự ô nhiễm môi trường.

Sau mỗi lần thủy triều lên rồi rút, rác lại ngập ngụa cả một tuyến đê, bốc mùi sú uế. Đáng lo, khi những cánh rừng ngập mặn bị rác bủa vây, bóp nghẹn, hình thành những cánh rừng chết, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống bão lũ của địa phương. Năm 2018, theo thống kê của các xã ven biển huyện Hậu Lộ cho thấy, có hàng chục tấn rác thải tấn công diện tích hơn 400ha rừng ngập mặn. Rác với đủ chủng loại, như túi nylon, vải vóc, bao bì… quấn chặt vào thân cây tạo nên một bức tranh nhếch nhác, chết chóc và hôi thối.

Lão ngư Tô Văn Hiệu - xã Ngư Lộc, năm nay đã bước sang tuổi bát thập lai hy không thôi lắc đầu, buông tiếng thở dài: “Trận địa rác thải kinh hoàng lắm! Rác không chỉ tấn công rừng ngập mặn mà còn phả cái mùi hôi thối vào người dân làng biển. Rác từ đâu mà có, nếu đổ lỗi cho biển cả sinh ra rác thải là sai. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính con người. Rác đổ xuống biển từ những người đi biển. Rác từ những làng ven biển, đất chật người đông, mọi thứ đều đổ ra biển…”.

Trước thực trạng trên, cuộc chiến đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cũng như ra quân bảo vệ môi trường được triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp trong toàn huyện Hậu Lộc. Từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể tham gia nhặt rác, gỡ rác dưới những cánh rừng sú vẹt. Phong trào ấy ngày càng được nhân rộng với sự chung tay từ các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa.

Giờ đây, người đi biển mang rác trở về. Bà con ven biển thu gom rác cho công ty môi trường vận chuyển đi nơi khác xử lý. Biển sạch, những cánh rừng ngập mặn cũng được hồi sinh. Thống kê cho thấy, diện tích rừng ngập mặn toàn huyện không ngừng tăng, đến nay đã có hơn 600ha rừng xanh tốt (trong đó, hơn 370ha là rừng có từ trước năm 2021 do huyện quản lý, 230ha là rừng trồng mới, thuộc các dự án của UBND tỉnh và các tổ chức phi Chính phủ thực hiện).

Nhân lên những “lá chắn xanh”

Thanh Hóa là tỉnh có đường bờ biển dài 102km, luôn phải gánh chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm qua, vai trò của rừng ngập mặn đã được chứng minh qua thực tế. Việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn chính là bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ những tác động của thiên tai. Xác định được điều đó, ngành Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng việc trồng mới, trồng bổ sung diện tích rừng ngặp mặn thông qua các chương trình, dự án.

z6054012391349_a0dbc2d6bfdae4739a181ad91005948b.jpg
Tán rừng ngập mặn kiên cố

Thống kê từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 1.000ha, chủ yếu nằm trên địa bàn 3 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Trong đó, 100% diện tích rừng ngập mặn đã được giao khoán quản lý, bảo vệ, không có các vụ vi phạm về phá rừng, không có dự án chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn nào tác động.

Dù vậy, trải qua thời gian, tỷ lệ cây rừng bị chết, giảm diện tích ngày càng nhiều. Để nâng cao mật độ cây rừng, tạo thêm nhiều tán rừng để chắn sóng hiệu quả trước những cơn bão, từ năm 2021 một dự án tái trồng rừng ngập mặn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương với sự hỗ trợ của CORENACCA đã được triển khai tại hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Dự án, CORENACCA đã vận động người dân địa phương thành lập các vườn ươm cộng đồng với cây giống cây trắng (Kandelia Candel); trồng 80ha diện tích rừng ngập mặn với 2 loài bản chua (Sonneratia caseolaris) và cây trang (Kandelia Candel) dạng tán nhiều tầng nhằm làm phong phú thêm diện tích rừng ngập mặn…

Hay như trước đó, năm 2019, Ban quản lý dự án GCF tỉnh Thanh Hóa cũng đã trồng, phục hồi 350ha rừng ngập mặn, trong đó trồng mới là 50ha…

Chính trách nhiệm, sự quan tâm phát triển rừng ngập mặn đã đem lại sức sống xanh cho biển, còn chúng ta đổi lại là sự bình yên cho những làng chài trước bão gió, triều cường.

Đình Giang

157 đường Vĩnh Yên - phố Thành Yên,

phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Bài 2: Rừng ngập mặn - “báu vật” của làng

Đình Giang