COP29: Đàm phán bổ sung các hướng dẫn chung về NDC
(TN&MT) - Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) đang diễn ra tại Baku (A-déc-bai-gian), đánh dấu thời điểm quan trọng để các quốc gia trình bày quan điểm của mình đối với Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Điểm mấu chốt là cần tăng cường mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với các lần đệ trình trước đó để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu đang thay đổi.
Đẩy nhanh hành động vì khí hậu
NDC là trọng tâm của Thỏa thuận Paris, được thông qua tại Hội nghị COP21 năm 2015. Các bên đã nhất trí giữ mức nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như tích cực theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thỏa thuận Paris có tính ràng buộc về mặt pháp lý và hoạt động theo chu kỳ 5 năm, với các cam kết hành động khí hậu ngày càng tham vọng hơn. NDC bao gồm cam kết của mỗi quốc gia về việc giảm phát thải khí nhà kính và các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, các mục tiêu cụ thể, chiến lược thực hiện và khung thời gian để đạt được các mục tiêu này.
Tất cả 196 tham gia Thỏa thuận Paris đã đệ trình NDC đầu tiên sau Hội nghị COP21. Bản cập nhật lần đầu là vào năm 2020 (NDC 2.0) và thời hạn cập nhật lại các cam kết này là năm 2025 (NDC 3.0). NDC 3.0 sẽ đưa ra mục tiêu cho giai đoạn tới năm 2035. Một số quốc gia sẽ công bố bản cập nhật này tại COP29.
Trong quá trình triển khai nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu, Thỏa thuận Paris yêu cầu các quốc gia thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện. Việc cập nhật NDC thể hiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của mỗi quốc gia. Với vai trò là chất xúc tác cho các chính sách và hành động về khí hậu quốc gia, NDC thúc đẩy thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông bền vững và cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu. Mức độ chi tiết có thể bao gồm các kế hoạch tạo việc làm trong các ngành công nghiệp công nghệ sạch và phác thảo các dự án, chính sách và nhu cầu tài chính thực sự có thể giúp thu hút nguồn tài trợ.
Theo các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (UNFCC), NDC hiện tại không đủ tham vọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5°C. Dù tất cả NDC của các quốc gia đều đạt được mục tiêu giảm phát thải, nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng lên ở mức 2,5 - 2,9°C vào năm 2100.
Năm 2023, báo cáo của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, để duy trì trong giới hạn 1,5°C, thế giới phải giảm ít nhất 43% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2019, và ít nhất 60% vào năm 2035. Các nước phát triển có phát thải lớn nhất thế giới trong lịch sử, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cắt giảm sâu nhất trong khi cung cấp nhiều tài chính hơn đáng kể để giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh hành động vì khí hậu.
Liệu có cần thêm hướng dẫn chung về NDC
Trong các phiên họp tại COP29, phần lớn các đại biểu đề xuất cần có một phiên bản hướng dẫn bổ sung cho việc xây dựng NDC 3.0.
Một số quốc gia lưu ý, các đặc điểm chung của NDC có thể được xác định từ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc đệ trình và thực hiện NDC. Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm các quốc gia đảo nhỏ (AOSIS) và Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) đã xác định mục tiêu trong NDC đối với toàn nền kinh tế. Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các Bên định lượng cụ thể các mục tiêu trong NDC, nhưng ý kiến này bị Ấn Độ và các nước kém phát triển nhất phản đối. Họ cho rằng mục tiêu của họ chỉ cần có sự đóng góp cho mục tiêu 1,5°C của toàn cầu.
Nhóm các doanh nghiệp và hiệp hội nông nghiệp (FARMERS) cho rằng, trong NDC cần chỉ rõ, thị trường các-bon phải bảo vệ quyền của nông dân. Nhóm các tổ chức địa phương và đô thị kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực hiện NDC thông qua các quan hệ đối tác với các chính quyền địa phương, và cần phải đưa nội dung này vào NDC. Nhiều nhóm các quốc gia, bao gồm Liên minh độc lập của Mỹ Latinh và Caribe (AILAC), Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia
Châu Phi ủng hộ xây dựng một văn bản về việc dừng chuyển giao và sử dụng các kết quả giảm nhẹ được chuyển giao quốc tế (ITMO) cho NDC, trong bối cảnh có sự không nhất quán trong quá trình xác nhận ITMO.
Nhóm các nước đang phát triển có cùng quan điểm (LMDC) đề xuất cần đánh giá định lượng về các nguồn tài chính hỗ trợ các quốc gia thực hiện NDC, nhằm tăng tính minh bạch. Trong khi đó, các quốc gia thuộc nhóm Ả rập và Hàn Quốc cho rằng không cần thêm hướng dẫn cho NDC nữa để đảm bảo tính thống nhất với các điều khoản của Thỏa thuận Paris. Chúng ta đã có kinh nghiệm xây dựng NDC 02-03 lần, liệu có cần thêm hướng dẫn chung về NDC hay không, nếu không có thể dừng đàm phán nội dung này tại đây. Do vậy Điều giải viên đề nghị các bên đưa ra quan điểm về nội dung này. Các quốc gia đều nhấn mạnh, NDC là các mục tiêu và hành động do quốc gia tự quyết định và phản đối việc đưa ra các yếu tố áp đặt từ trên xuống.
Các nước kém phát triển nhất cũng nhân cơ hội kêu gọi việc cung cấp tài chính để thực hiện NDC và làm rõ mốc thời gian thực hiện NDC theo lộ trình. Cùng quan điểm này, các nước đang phát triển có cùng quan điểm (LMDC) cho rằng hầu hết các NDC của các quốc gia đều có điều kiện và đây là một đặc điểm chung cần làm rõ của NDC.
Những nội dung cốt lõi
Thời hạn đệ trình NDC 3.0 vào năm 2025 đang đến gần. Hội nghị COP 29 đánh dấu một thời điểm quan trọng để các quốc gia trình bày quan điểm của mình đối với NDC. NDC cần phản ánh kết quả của Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) đã được thông qua tại COP 28, trong đó đưa ra lộ trình cho giai đoạn tiếp theo tới năm 2035 của NDC, bao gồm các quyết định mang tính lịch sử về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng và tăng gấp ba năng lượng tái tạo.
Các NDC từ các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch cần bao gồm thông tin chi tiết về trữ lượng và khai thác, lộ trình loại bỏ dần, cũng như các kế hoạch chuyển đổi công bằng. Để phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là giữ mức nóng lên toàn cầu ở mức tối thiểu là 1,5oC, các quốc gia cần cam kết dừng mở rộng nhiên liệu hóa thạch. NDC phải đưa ra các cam kết cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cam kết xây dựng lộ trình quốc gia đặt ra các thời hạn cụ thể về chính sách để loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch.
Các quốc gia cũng cần đưa nội dung chi tiết hơn về thích ứng với biến đổi khí hậu vào NDC. Qua đó, đảm bảo NDC nếu rõ các nhu cầu và kết quả của thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nâng cao vị thế của hoạt động thích ứng và gắn kết chặt chẽ giảm phát thải và thích ứng. Trên hết, NDC cần phù hợp với luật pháp của các quốc gia, các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển bền vững… để các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trở nên toàn diện, đảm bảo tính nhất quán giữa ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Dự thảo tài liệu đàm phán được đưa ra đêm ngày 19/11/2024 cho thấy có 3 lựa chọn về nội dung đàm phán xây dựng hướng dẫn cho NDC giai đoạn tiếp theo. Đó là tiếp tục xem xét:
Thảo luận tại các kỳ họp kỹ thuật liên quan năm 2025 để xem xét tại Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris năm 2026;
Hoặc thảo luận tại các kỳ họp kỹ thuật liên quan năm 2026 để xem xét tại Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris năm 2027;
Hoặc thảo luận tại các kỳ họp kỹ thuật liên quan năm 2027 để xem xét tại Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris năm 2028.