Trong nước

Nghị quyết thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận sẽ khơi thông nguồn lực đất đai

Khương Trung - Thanh Tùng 21/11/2024 - 11:18

(TN&MT) - Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng 21/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Các đại biểu bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo nghị quyết với đủ các cơ sở chính trị, pháp lý như tờ trình và báo cáo thẩm tra. Việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết này sẽ là cơ sở khơi thông, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.

Áp dụng phạm vi trong toàn quốc

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua tình hình bất động sản diễn biến phức tạp. Trên thực tế có những trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng nhưng bị sai phạm mà không hợp thức hóa, rất lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Đồng Tháp)

“Mặc dù không phải ngân sách của nhà nước, nhưng doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp họ cũng phải đi vay ngân hàng, doanh nghiệp chết thì kéo theo ngân hàng cũng chết” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng và cần thiết để ban hành dự thảo Nghị quyết này.

Về phạm vi điều chỉnh, trong dự thảo Nghị quyết được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản trong trường hợp: Nhận quyền sử dụng đất; Đang có quyền sử dụng đất; Đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích đất của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất theo tờ trình là áp dụng phạm vi trong toàn quốc. Bởi lẽ nếu thí điểm phải thực hiện thí điểm công khai hết. “Nếu chúng ta áp dụng chỉ trong một số tỉnh, thành phố còn một số tỉnh khác không cho sẽ dễ tạo ra cơ chế xin - cho và thắc mắc tỉnh anh được, tỉnh tôi không được” - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Về phạm vi thí điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính chất đại trà, chung chung. Đại biểu đánh giá cao việc thiết kế tại nghị quyết cho thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng đối với các dự án nào, tiêu chí nào.

Trong đó với những quy định trong dự thảo nghị quyết sẽ chắc chắn chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện nghị quyết. Đây là cách thiết kế khá hợp lý để thực hiện.

Đại biểu cho biết, dự thảo nghị quyết được tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ, đã tách điều 1 ra thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị thiết kế một điều riêng về quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản.

Cần thêm một số nguyên tắc phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và không được vi phạm các quy định dẫn đến đầu cơ, tăng giá.

db-trinh-xuan-an.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Đồng Nai)

Phát huy giá trị, hiệu quả đất quốc phòng an ninh

Liên quan đến việc cho phép thí điểm với đất quốc phòng, đất an ninh, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết đây là loại đất đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Hiện nay đã có thêm Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Đây là những cơ chế để chăm lo đời sống cho các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như phát huy giá trị, hiệu quả đất quốc phòng an ninh.

Bày tỏ sự ủng hộ cho thí điểm, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm đồng thời với việc thông qua danh mục, công trình, dự án thu hồi đất để chủ động.

Khi triển khai các dự án cũng phải theo các quy định chung của nghị quyết này, thực hiện sắp xếp tài sản công như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... để bảo đảm tính chặt chẽ.

Theo đại biểu, khi nghị quyết thông qua cũng cần có những nguyên tắc để có một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tạo ra sốt đất, vi phạm pháp luật.

2112023ongtienquochoip.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Vĩnh Phúc)

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng tại khoản 3 quy định ưu tiên cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện dự án nhà ở thương mại trên khu đất thuộc bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cần đưa ra khỏi đất quốc phòng, an ninh. Đại biểu đề nghị cần quy định thêm “khi Bộ Quốc phòng, bộ Công an có nhu cầu về phát triển nhà ở thương mại thì được ưu tiên” - đại biểu Tiến cho biết.

Xem xét phạm vi đối tượng cho phép thỏa thuận nhận chuyển sử dụng đất

Tham gia góp ý Điều 2 quy định trong Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, tại dự thảo Nghị quyết có quy định về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất có quy định tổ chức kinh doanh bất động sản được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đối với một hoặc các loại đất: Đất nông nghiệp; Đất phi nông nghiệp không phải đất ở; Đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

db-tam.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Đại biểu Quảng Bình)

Theo đại biểu Tâm, Luật Đất đai năm 2024, tại Điều 9 Luật Đất đai quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm 07 loại đất, nhóm đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) gồm 09 loại đất.

Trong khi đó, tại dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng chung cho tất cả các loại đất đều được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, trong đó có một số loại đất cần phải được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt như: đất quốc phòng – an ninh, đất phục vụ hoạt động khoáng sản, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Như vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét để phạm vi đối tượng cho phép thỏa thuận nhận chuyển sử dụng đất có quá rộng không.

Khương Trung - Thanh Tùng