Môi trường

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NAM NUNG: Chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học

Phạm Hoài 21/11/2024 - 10:50

(TN&MT) - Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Nam Nung có hệ động, thực vật đa dạng với nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Trong những năm qua, Khu BTTN Nam Nung đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây. Đây cũng là khu vực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô.

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Khu BTTN Nam Nung, giữ rừng là giữ môi trường sống cho các loại động thực vật; sự đa dạng, phong phú về các loài động, thực vật phụ thuộc rất lớn vào công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên hiện có. Cụ thể, về thực vật gồm có 145 họ; 522 chi; 891 loại bậc cao; trong tổng số 891 loài thực vật tại Khu BTTN Nam Nung có 721 loài có ích; 36 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 38 loài được xếp trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP; 28 loài được xếp trong Danh lục Sách đỏ thế giới IUCN. Còn về động vật, gồm có 351 loài thuộc 251 chi; 101 họ; 31 bộ và 5 lớp động vật có xương sống; trong đó, có 57 loài thú, 107 loài chim, 51 loài Bò sát, Ếch nhái (29 loài Bò sát và 22 loài Ếch nhái) quý hiếm đã được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2023) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ở các mức độ khác nhau.

1-1-.jpg
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung với đa dạng các loài thực vật, động vật.

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu BTTN Nam Nung. Sau đó, Khu BTTN Nam Nung đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với 2 nhà đầu tư trên tổng diện tích gần 400ha.
Sau khi dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần phát huy hết giá trị của rừng mang lại, đó là phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài nguyên; đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương đối với các tài sản vô giá về du lịch cảnh quan - văn hóa - lịch sử và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững; tạo ra nguồn thu bổ sung cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho đơn vị; đặc biệt, phát triển cũng như nâng cao giá trị Khu BTTN Nam Nung, góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Mạnh, từ khi thành lập, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Khu BTTN Nam Nung. Mặc dù, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Nam Nung còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả tập thể công chức, viên chức, người lao động và sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, từ đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng của Khu BTTN Nam Nung trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tình trang khai thác lâm sản hạn chế đến mức thấp nhất…

2-2-.jpg
Cán bộ Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung thả một cá thể mèo rừng về với tự nhiên.

Cùng với giá trị về đa dạng sinh học, Khu BTTN Nam Nung còn là nơi tập trung khá nhiều đồng bào M'Nông với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Đó là những món ăn truyền thống độc đáo có nguyên liệu từ rừng, các vật dụng phục vụ cuộc sống cư dân địa phương. Đặc biệt là không gian văn hoá, các lễ hội truyền thống độc đáo. Vì vậy, để bảo tồn hệ sinh thái rừng cần gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch hợp lý, thiết lập các tuyến du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn.

Chú trọng đầu tư phát triển rừng

Hiện nay, bên cạnh sức ép của cộng đồng sống ven rừng đối với tài nguyên rừng của Khu BTTN Nam Nung xảy ra dưới nhiều góc độ như vì mưu sinh, cải thiện cuộc sống và thu nhập, vì tập quán sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã tác động phần nào đến quá trình ổn định của hệ thống động thực vật nơi đây. Ngoài ra, các mối đe dọa do những tác động về kinh tế - xã hội của cộng đồng đối với tài nguyên rừng vẫn thường xuyên diễn ra như săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, khai thác lâm sản ngoài gỗ quá mức (mây, đót, quả cây, dầu cây...). Trước thực tế đó, để bảo vệ tính đa dạng sinh học nơi đây, Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung đã thực hiện đầy đủ các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng để tăng thu nhập, sinh kế cho người dân tránh tác động tới Khu BTTN Nam Nung; đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng với đó, cũng theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Khu BTTN Nam Nung, Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung hiện đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tại các xã vùng đệm cùng tham gia bảo vệ rừng cũng như sẵn sàng tố giác các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; tổ chức các chương trình giáo dục về môi trường cho các em học sinh tại các xã vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cháu về vai trò của hệ sinh thái rừng đối với môi trường sống; đầu tư xây dựng hạ tầng và đặc biệt đầu tư cho công tác phát triển rừng và bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Khu BTTN Nam Nung đang quản lý, bảo vệ 23.296,47ha diện tích tự nhiên, nằm trên địa giới hành chính 10 xã, thuộc 3 huyện Đắk Song; Krông Nô và Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông.
Theo kết quả ghi nhận của các nhà khoa học, hệ thực vật rừng Nam Nung vô cùng phong phú và đa dạng với 891 loài, 522 chi và 145 họ thực vật, trong đó có 28 loài được xếp trong Danh lục đỏ thế giới IUCN, 38 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và có 36 loài được xếp trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ; hệ động vật có 351 loài thuộc 251 chi; 101 họ; 32 bộ và 5 lớp động vật có xương sống gồm: Lớp Thú, lớp Chim, lớp Bò sát, lớp Lưỡng cư và lớp Cá, trong đó có 57 loài thú quý hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2023) và Nghị định 84 (2021)

Đồng thời, Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra rừng và phân công lực lượng tại các Trạm Kiểm lâm, Trạm Quản lý bảo vệ rừng và các Tổ nhận khoán bảo vệ rừng, thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn cũng như hạn chế thấp nhất các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của hệ sinh thái rừng tại Khu BTTN Nam Nung; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm sở tại và các đơn vị chủ rừng giáp ranh tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tự nhiên tại các khu vực là "điểm nóng" về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đốt nương làm rẫy, đặt bẫy săn bắt thú và khai thác lâm sản trái phép.

Phạm Hoài