Ngành TN&MT

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường với Singapore

Chu Hương – Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan) 21/11/2024 - 10:50

(TN&MT) - Bên lề Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Azerbaijan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa có cuộc gặp song phương với ông Stanley Loh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Stanley Loh bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, thị trường các-bon, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất lượng không khí, giảm rác thải nhựa và nhiều vấn đề môi trường mà khu vực cùng quan tâm.

Ghi nhận các kết quả tốt đẹp trong triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cùng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động phân loại rác tại nguồn, tài chế rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường, và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Singapore – một trong những đất nước sạch nhất trên thế giới.

z6048017224331_85f361dbfc4cab017c3df691b85ff465.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc gặp

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí là vấn đề cần đi đến ý kiến thống nhất giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt về ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Tại Hà Nội (Việt Nam), khoảng thời gian hiện nay có chất lượng không khí kém nhất trong năm nên từ người dân đến chính quyền các cấp đều rất quan tâm, mong muốn có các biện pháp giải quyết.

Về phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đang tiếp tục cải thiện chính sách liên quan đến điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp và phát triển điện gió ngoài khơi. Việt Nam và Singapore đã có ý tưởng chung xây dựng đường truyền tải điện năng xanh, sạch giữa các quốc gia và thời gian tới, phía Việt Nam sẽ sớm có dự án thí điểm thông qua Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định có liên quan trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Kinh nghiệm về mặt xây dựng quy định tương tự của Singapore sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Stanley Loh, kinh nghiệm của Singapore cho thấy, việc phân loại, tái chế rác thải hoàn toàn có thể trở thành một ngành công nghiệp xanh, tạo ra thêm nhiều việc làm xanh và giải quyết đáng kể nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, những giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp tăng khả năng tái chế rác thải điện tử, nhựa hay pin xe điện... có tiềm năng rất lớn, vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Ví dụ, Singapore đã tái chế tái chế pin xe điện và dầu ăn đã qua sử dụng làm nhiên liệu máy bay, nhằm chuẩn bị đến tháng 1/2026 sẽ áp đặt các hãng bay phải sử dụng tỷ lệ nhất định nhiên liệu hàng không bền vững. Các giải pháp kinh tế xanh tương tự hoàn toàn có thể được đưa vào thử nghiệm trước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế chung của Việt Nam – Singapore.

z6048021132905_69d220117792227ef4cc9178b465b94a.jpg
Ông Stanley Loh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của Singapore

Trong giai đoạn đang thiếu các nguồn năng lượng tái tạo, Singapore cho rằng nên tận dụng nguồn năng lượng chuyển tiếp là khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và thúc đẩy hợp tác khu vực ASEAN để khuyến khích sử dụng nguồn điện hạt nhân, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất.

Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Việt Nam có các định hướng chính sách về tái chế, hạn chế dần nhập khẩu rác thải nhựa chưa qua xử lý, tăng tỷ lệ nguyên liệu tái chế... Việt Nam cũng đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về sử dụng nhiên liệu bay bền vững và mong muốn học hỏi từ Singapore. Cùng với phát triển nguồn năng lượng sạch tại các khu công nghiệp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, Việt Nam đang có chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân để đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế và giảm phát thải các-bon, dự kiến có thể sử dụng tổ hợp bao gồm cả các nhà máy điện truyền thống.

Về trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, Việt Nam đang sửa đổi quy định pháp luật để có thể triển khai thực hiện ngay mà không cần qua bước thí điểm, và đề xuất trao đổi kinh nghiệm với Singapore trong vấn đề này.

Liên quan tới đàm phán về ô nhiễm nhựa, phía Singapore bày tỏ, một lệnh cấm hoàn toàn không khả thi bởi nhiều quốc gia không có lựa chọn thay thế. ASEAN cần có một nghiên cứu về nhựa xuyên biên giới và đưa ra thỏa thuận chung với quyết tâm cao.

Phía Việt Nam đồng tình với quan điểm này và cho rằng, tương tự biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm nhựa cần dựa trên nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt”. Thay vì cấm đoán cần tăng khả năng tái chế, chống rác thải nhựa đại dương để hạn chế ảnh hưởng tới phát triển du lịch và kinh tế biển quốc gia.

Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng trao đổi để nắm rõ nhu cầu hợp tác song phương trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore tiếp tục chia sẻ về các kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách về nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ tiên tiến về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và trong xử lý nước thải đồng thời tăng cường trao đổi chuyên gia, học tập kinh nghiệm của Singapore về quy hoạch và phân vùng bảo vệ môi trường.

Chu Hương – Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan)