Khám phá

Máy hút khí thải khổng lồ tại Iceland

Khánh Linh - Tổng hợp từ CNN 20/11/2024 - 22:23

(TN&MT) - Vào ngày 8/5, nhà máy "lớn nhất thế giới" được thiết kế giống như một máy hút bụi khổng lồ đã chính thức hoạt động tại Iceland.

Nhà máy đặc biệt

Nhà máy này có khả năng hút ô nhiễm khí hậu, giúp loại bỏ khí carbon dioxide - nguyên nhân gây nóng lên hành tinh - khỏi bầu khí quyển. Với tên gọi"Mammoth", nhà máy này là cơ sở lưu trữ khí thải trực tiếp cho mục đích thương mại thứ hai của Climeworks, công ty đến từ Thụy Sĩ. Mammoth có quy mô lớn gấp 10 lần nhà máy tiền nhiệm Orca, hoạt động từ năm 2021.

Công nghệ thu giữ khí trực tiếp (DAC) được sử dụng tại nhà máy Mammoth nhằm hút không khí và tách carbon bằng các hóa chất đặc biệt. Sau đó, carbon này sẽ được đưa vào lòng đất, tái sử dụng hoặc chuyển thành các sản phẩm rắn.

1(6).jpg
Nhà máy Mammoth của Climeworks ở Hellisheiði, Iceland, bắt đầu hoạt động vào ngày 8 tháng 5.

Climeworks dự định vận chuyển carbon xuống lòng đất nơi nó sẽ được chuyển hóa tự nhiên thành đá, khóa chặt carbon vĩnh viễn. Họ đang hợp tác với công ty Iceland Carbfix cho quá trình lưu giữ này.

Công nghệ DAC đang nhận được sự chú ý ngày càng lớn từ chính phủ và các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều với công nghệ này.

Một số nhà khoa học và chuyên gia khí hậu cho rằng công nghệ DAC còn quá tốn kém, tiêu tốn nhiều năng lượng và chưa được thử nghiệm ở quy mô lớn. Một số người lo ngại rằng công nghệ này có thể làm phân tán sự chú ý khỏi các chính sách quan trọng về giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch.

Vẫn còn thách thức

Với thiết kế mô-đun, nhà máy Mammoth có khả năng thu được 36.000 tấn carbon từ không khí mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ khoảng 7.800 ô tô chạy bằng xăng khỏi đường trong một năm.

Tuy nhiên, chi phí cho mỗi tấn carbon được loại bỏ hiện nay gần 1.000 USD, cao gấp 10 lần mức 100 USD/tấn, mức giá mà nhiều chuyên gia cho là phù hợpđể làm cho công nghệ này trở nên khả thi và có giá cả phải chăng.

Để giải quyết vấn đề này, Climeworks có kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy, giảm chi phí và đạt được mức giá 300-350 đô la/tấn vào năm 2030, với mục tiêu giảm xuống còn 100USDa/tấn vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hiện tại các thiết bị loại bỏ carbon trên thế giới chỉ có thể xử lý khoảng 0,01 triệu tấn carbon mỗi năm, một con số khiêm tốn so với mục tiêu toàn cầu là 70 triệu tấn vào năm 2030.

Hiện Climeworks không liên kết với các công ty nhiên liệu hóa thạch và tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng của công nghệ DAC. Công ty này đặt mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon mỗi năm vào năm 2030 và 1 tỷ tấn vào năm 2050, với các kế hoạch xây dựng nhà máy DAC ở Kenya và Mỹ

Khánh Linh - Tổng hợp từ CNN