Ngành TN&MT

UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức trong ứng phó BĐKH

Chu Hương – Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan) 20/11/2024 - 19:15

(TN&MT) - Ngày 19/11, bên lề Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Azerbaijan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có cuộc gặp song phương với ông Marcos Neto, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách và Phát triển Chương trình, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ lời cảm ơn tới Liên hợp quốc và UNDP về các hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn và đa dạng sinh học. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) cập nhật. Đây cũng là kết quả của quá trình hợp tác giữa UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua.

z6052169107315_5ef8be214b36c9db9eff8b7654bceb89.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có cuộc gặp song phương với ông Marcos Neto, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách và Phát triển Chương trình, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC 3.0) theo quy định của Thỏa thuận Paris. Thứ trưởng đề nghị UNDP tiếp tục hỗ trợ và hợp tác trong quá trình này, đặc biệt về nội dung thích ứng và tổn thất, thiệt hại.

Liên quan tới kinh tế tuần hoàn, Việt Nam mong muốn UNDP tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các quy định pháp luật cần thiết. Về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sáng kiến của UNDP về tài chính cho đa dạng sinh học, và kỳ vọng đây sẽ là động lực để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) tại Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đánh giá cũng đánh giá cao sáng kiến của Liên hợp quốc về cảnh báo sớm cho tất cả các bên. Hiện nay, Việt Nam là đầu mối của Tổ chức Khí tượng thế giới về nội dung này và rất mong xúc tiến hợp tác tốt hơn nữa cho các giải pháp cảnh báo sớm.

z6052171237118_06498b5366f61d227c363e9c61618215.jpg
Ông Marcos Neto chia sẻ, UNDP mong muốn có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định

Từ phía UNDP, ông Marcos bày tỏ lời cảm thông sâu sắc với chính phủ Việt Nam về những mất mát và thiệt hại mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do hậu quả của bão Yagi. Ngay sau bão, UNDP cũng đã hình thành nhóm đánh giá nhu cầu phục hồi và tái thiết sau bão.

Ông Marcos cho rằng, việc Việt Nam đưa ra các mục tiêu cao hơn, tham vọng hơn trong NAP và NDC 3.0 là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thức hóa nỗ lực quốc gia, góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ông Marcos cũng chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những bước tiến trong triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với vai trò là cơ quan hỗ trợ Ban thư ký cho JETP, UNDP đề nghị làm rõ hơn nhu cầu của phía Việt Nam và cách thức để UNDP có thể hỗ trợ triển khai JETP trong thời gian tới.

Về NDC 3.0, hiện nay UNDP đang cùng với các cơ quan Liên hợp quốc đang thúc đẩy các sáng kiến đóng góp cho vòng cập nhật lần này, ví dụ như huy động sự tham gia của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và các bên liên quan một cách toàn diện trong NDC 3.0, để đảm bảo tiến trình chuyển dịch công bằng. UNDP cũng mong muốn có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cập nhật NDC tới đây.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thiệt hại nghiêm trọng từ siêu bão Yagi vừa cho cho thấy các tác động vô cùng lớn của BĐKH, đòi hỏi cần có tư duy thay đổi và sự lãnh đạo quyết liệt để có thể huy động các nguồn lực tài chính bền vững và các giải pháp phát triển bền vững, lâu dài.

z6052172905803_e787e851a83f5c75ac0c661d6b948138.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Liên hợp quốc và UNDP trong ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn và đa dạng sinh học.

Về JETP, hiện nay, Bô Công Thương đã được giao làm cơ quan đầu mối của chính phủ trong thời gian tới khi JETP đi vào thực hiện. Việc thực hiện cam kết JETP còn nhiều khó khăn, đòi hỏi có các cơ chế mới, và tương tự như một số nước đang triển khai JETP, Việt Nam cũng đang tìm cách để vượt qua các thách thức này. Điểm khó nhất là làm sao để Việt Nam có cơ chế và cách thức kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau, được triển khai và huy động qua từng giai đoạn xây dựng, phát triển và triển khai dự án, từ thiết kế đến vận hành các dự án đầu tư chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Một thách thức nữa mà Việt Nam cũng đang cần sớm có giải pháp là đảm bảo có các cơ chế kết hợp tài chính công tư một cách nhịp nhàng, đồng thời vẫn duy trì được trần nợ công ở ngưỡng chi phép.

Hiện nay Việt Nam đang bắt đầu triển khai việc tổ chức thành lập các nhóm công tác để xây dựng NDC 3.0. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có ý kiến của các bộ ngành để xác định rõ các khoảng trống cần hỗ trợ kỹ thuật và sẽ trao đổi lại với UNDP. Tuy nhiên, việc xây dựng NDC cũng chỉ là một trong các việc cấp thiết phải làm, thách thức lớn hơn mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết là làm sao để có thể thực hiện tốt NDC, kết hợp việc lên kế hoạch hành động với các cơ chế đầu tư, tài chính và kêu gọi hợp tác đa phương và với nhiều bên để triển khai được các tham vọng này. Việt Nam hy vọng tại COP29, các bên có thể đi đến đồng thuận trong việc xây dựng các mục tiêu chung về tài chính khí hậu sẽ nỗ lực đàm phán để đi đến đồng thuận.

Phía UNDP bày tỏ trân trọng cơ hội hợp tác đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Chu Hương – Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan)