Tuổi trẻ Phú Hải và trách nhiệm với môi trường biểnBài 1: Cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm biển - do đâu?
(TN&MT) - Nhận thức được tầm quan trọng của biển và môi trường biển cũng như mối đe dọa từ ô nhiễm đến môi trường biển, Đoàn phường Phú Hải đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm, vai trò của tuổi trẻ đối trong việc gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển quê hương.
Việt Nam là quốc gia biển, có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, sự gia tăng các ngành du lịch dịch vụ biển, khai thác khoáng sản và dầu khí, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhất là việc tập trung dân cư cũng như quá trình đô thị hóa nhanh tại các vùng ven biển đã, đang tạo nhiều áp lực đến môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay.
Nhận thức rõ nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển
Ô nhiễm môi trường biển hiện nay vẫn là vấn đề nan giải và là mối quan tâm của thế giới. Các vùng biển trên toàn cầu đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng và chưa được khắc phục một cách tối ưu. Điều này đã gây hại cho sức khỏe và hoạt động sống của các sinh vật sống và con người. Muốn bảo vệ môi trưởng biển, trước tiên chúng ta phải hiểu ô nhiễm biển là gì? Nguyên nhân, thực trạng và hậu quả của chúng như thế nào?
Hiểu một cách đơn giản, ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng chất thải xâm nhập trên biển, khiến cho nguồn nước biển bị biến đổi tính chất theo chiều hướng xấu, hay còn được gọi là nguồn nước bị nhiễm bẩn kéo theo những hậu quả phức tạp như gây hại cho sinh vật sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đối với thực trạng môi trường biển ở Việt Nam hiện nay, theo các tài liệu của các cơ quan môi trường, một số trong các nguyên nhân gây ô nhiễm được cho là do các yếu tố tự nhiên như các loại vi sinh vật biển, vi tảo biển ngày càng gia tăng về số lượng, tham gia vào hiện lượng thủy triều đỏ, làm suy giảm các sinh vật biển có lợi; Các hoạt động địa chất như núi lửa, bão... làm chết hàng loạt sinh vật biển, xác chết của chúng không được xử lý đã gây ô nhiễm vùng biển đới bờ; Ngoài ra, sự đứt gãy của vỏ trái đất làm rò rỉ những mỏ dầu ở đáy đại dương cũng đã góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm biển.
Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị vùng ven biển và mở rộng các hoạt động kinh tế, khai thác biển đã kéo theo lượng chất thải sinh hoạt, công nghiệp và y tế vùng ven biển không ngừng gia tăng qua các năm. Vấn đề thu gom, xử lý chất thải đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm nhưng có lúc có nơi chưa được đầu tư đúng mức. Chất thải rắn chưa được thu gom, xử lý triệt để đã gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển, ảnh hưởng đến đời sống dân cư vùng ven biển và gây thiệt hại cho những ngành kinh tế gắn với biển.
Lượng rác ngày càng tăng khiến cho mối đe dọa đối với nguồn lợi thủy sản, du lịch biển Việt Nam cũng tăng lên. Phương thức đánh bắt hủy diệt, phát triển kinh tế và các ngành nghề một cách bất hợp lý... cùng với ý thức kém của con người đã làm suy giảm tính nguồn lợi thủy sản, du lịch biển... Theo nhận xét của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho thấy, trong vòng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã mất tới 80% diện tích rừng ngập mặn là sinh cảnh của một số loài và là vùng điều tiết sự cân bằng giữa biển và đất liền. Tùy từng thời kỳ, diện tích này có phục hồi, song không nhiều và rừng ngập mặn vẫn luôn bị đe dọa, tiếp tục bị thu hẹp.
Việc xả nước thải chưa qua xử lý ra biển ở một số nơi cũng là tác nhân gây ra ô nhiễm biển, không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là người dân sinh sống ven biển, gây ra các bệnh về hô hấp, về da... Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên và hàng ngày thải một lượng lớn khí CO2. Nồng độ CO2 cao trong không khí làm cho hàm lượng CO2 hòa tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ khí quyển của trái đất do hiệu ứng nhà kính sẽ kéo theo mực nước biển dâng cao và thay đổi môi trường sinh thái biển.
Một trong những nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tiêu cực môi trường biển đó là sự cố tràn dầu diễn ra tại các vùng bờ biển Việt Nam. Các vụ va chạm tàu thuyền gây ra các tai nạn này đã đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và môi trường. Trong hoạt động hàng hải, nước thải phát sinh từ tàu biển và phương tiện hảng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hang; trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa dầu, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng với hàm lượng cao hơn mức cho phép rất nhiều, đây là lý do gây đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải.
Ngoài ra, hoạt động của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ với thiết bị máy móc lạc hậu và không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm dầu ở biển nước ta. Sự cố tràn dầu và thải dầu cặn đôi khi diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường biển.
Ô nhiễm biển làm chất lượng nguồn nước bị suy giảm. Nước biển bị ô nhiễm làm cho môi trường sống của các loài thủy sản bị hủy hoại gây hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ biển, làm cạn kiệt nguồn tôm giống và các đàn cá gần bờ. Ô nhiễm thường xuyên sẽ dẫn tới làm suy giảm và hủy diệt các loài thủy hải sản, các hệ sinh thái ven biển bị suy giảm nghiêm trọng như: rừng đước, rừng tràm… Ô nhiễm biển cũng làm các khu du lịch biển giảm sức thu hút đối với khách du lịch.
Việc suy giảm nguồn thủy sản khiến sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản giảm, dẫn tới giảm thu nhập của ngư dân, tác động trực tiếp lên cuộc sống và các nhu cầu sống.
Trong khi đó, kiến thức của một bộ phận ngư dân còn giản đơn, xem sản vật bắt được là sự ban tặng của biển; Khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển vẫn còn xa vời với họ; Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác; Việc khai thác bằng đánh mìn, sử dụng hoá chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản và gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển.
Nuôi trồng thủy sản bất hợp lý cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới biển. Trước đây, người dân thường chỉ nuôi quảng canh, ít sử dụng thức ăn và hoá chất độc hại. Gần đây, một số cơ sở phát triển nuôi biển với quy mô công nghiệp nhưng lại chưa chú trọng vấn đề môi trường dẫn tới các nơi cư trú sinh vật bị ô nhiễm từ nguồn thức ăn chăn nuôi thừa và sau mỗi lần tôm cá bị chết không làm sạch nguồn nước. Nuôi biển quy mô lớn nhưng thiếu kiểm soát cũng khiến dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng,...
Tình trạng ô nhiễm môi trường biển còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển, dẫn tới việc thiếu nước ngọt, xói lở bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với đó là do cơ sở hạ tầng một số vùng ven biển còn thiếu và chưa đồng bộ; phát triển kinh tế biển còn phiến diện, sản xuất nhỏ, lạc hậu, nghiêng về lợi ích hơn là quan tâm đến môi trường, đồng thời, chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình, ít chú ý đến lợi ích ngành khác; Vấn đề phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão lụt, thiên tai từ hướng biển còn nhiều hạn chế; Hiểu biết pháp luật về biển, nhất là pháp luật bảo vệ môi trường biển của một số người tham gia hoạt động khai thác sử dụng, quán lý biển cũng góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường biển; Thể chế chính sách bảo vệ môi trường biển còn bất cập; một số cơ quan quản lý còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, trong khi có những mảng trống quản lý bị bỏ ngỏ; Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý thụ động và không thường xuyên do còn thiếu các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của họ một cách cụ thể; một số chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển còn chung chung, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý…
Họ và Tên: Lê Văn Bình
Địa chỉ: Phú Hải – Đồng Hới – Quảng Bình
Đơn Vị: Đoàn Phường Phú Hải
Bài 2. Đoàn phường Phú Hải chung tay bảo vệ môi trường biển