Tử tế với biển Vũng Tàu
(TN&MT) - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có đường bờ biển dài lên tới 156km với 5/8 huyện, thành phố giáp biển; là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, thủy, hải sản, du lịch và cảng biển…
Tình trạng rác thải đại dương tại các địa phương ven biển, trong đó có biển Vũng Tàu, đang là vấn đề nan giải. Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, vai trò cộng đồng trong việc làm sạch biển, giảm thiểu rác thải rất quan trọng.
Trước tình trạng rác thải tấn công các bãi biển, nhiều người dân và các bạn trẻ đã tình nguyện nhặt rác, làm sạch biển bằng nhiều cách khác nhau.
Tôi biết đến nhóm Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) qua các hoạt động bảo vệ môi trường biển, chung tay nhặt rác và phân loại rác. Những hoạt động của nhóm đã lan toả mạnh mẽ trong người dân phố biển nơi tôi sống, cũng như các du khách đến với thành phố biển, trong đó có gia đình tôi.
Có dịp được gặp gỡ trao đổi cùng chàng trai sinh năm 1991 - cựu sinh viên Bùi Vũ Linh - Trường Cao Đẳng Dầu khí (PV College), một thành viên đi đầu trong việc kêu gọi cũng như tổ chức các hoạt động sống xanh, bảo vệ môi trường biển của Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu), Bùi Vũ Linh cho chúng tôi biết, Cộng đồng sống tử tế Vũng Tàu (GNH Vũng Tàu) được thành lập từ tháng 3/2018 với tên gọi ban đầu là “5AM CLUB”. Ngày đầu mới thành lập, CLB chỉ có chưa đến 10 người. Các thành viên tham gia CLB chủ yếu là để chạy bộ rèn luyện sức khoẻ mỗi sáng. Khi đó, một bạn trong nhóm nhặt rác đăng lên nhóm, thấy việc làm ý nghĩa, nhóm đã triển khai thể dục kết hợp nhặt rác.
Linh cho biết thêm, bắt đầu quan tâm đến môi trường mới nhận thấy rác nhiều quá, nhất là Bãi Trước, có thời điểm rác tụ lại thành đám, gặp sóng to đánh ngược lên bờ, có những hôm nhóm bỏ cả tập thể dục để nhặt rác vì nhặt không xuể. “Sau này, khi CLB dần đông lên, chúng tôi triển khai các buổi nhặt rác theo chủ đề như “Nhặt rác cùng chúng mình”, nhặt rác xây dựng “Cộng đồng sống xanh”… Qua theo dõi, các trưởng nhóm sẽ nhận biết các điểm nóng về rác, xây dựng kế hoạch và phổ biến trong CLB. Đều đặn 2 lần/tháng, vào chủ nhật, các thành viên sẽ cùng nhau nhặt rác làm sạch cả rác trôi nổi ven biển, cả rác trên bờ. Chúng tôi xác định sẽn làm việc trách nhiệm nhất có thể, tử tế với môi trường biển đúng như tên gọi của nhóm”, Linh chia sẻ.
Theo Bùi Vũ Linh, CLB luôn nhắc nhở thành viên giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ chính gia đình của mình để khi ra ngoài cũng như khi ra biển, mỗi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải sử dụng 1 lần. Cùng với đó là thói quen phân loại rác tại nguồn, nhặt rác tới đâu phân loại tới đó để tiết kiệm công sức, thời gian cho các công đoạn sau.
Mỗi lần nhóm Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) tổ chức nhặt rác đều thu hút rất nhiều thành viên trong cộng đồng và các bạn nhỏ tham gia nhặt rác, phân loại rác. Hoạt động trên đã giúp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi thành viên và lan tỏa những hành động đẹp, việc làm tử tế tới những người xung quanh.
Những năm gần đây, nhóm Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) đã tổ chức nhiều chương trình “Nhặt rác cùng chúng mình” tại Bãi Trước (TP. Vũng Tàu). Đây là một trong những điểm nóng về rác thải nhựa của thành phố trong thời gian qua, đặc biệt vào tháng 9, tháng 10.
Những ngày gần đây, dọc tuyến biển từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Dâu, Bãi Dứa (TP. Vũng Tàu), một lượng lớn rác, chủ yếu là lục bình, đã theo thủy triều dạt vào. Trong rác tự nhiên còn đi kèm nhiều rác thải sinh hoạt như chai lọ, túi ni-lông và đồ nhựa cũ, thậm chí có cả nón bảo hiểm, thùng xốp.
Bờ biển TP. Vũng Tàu chịu tác động chính của sóng theo hai mùa gió chính: Gió Đông Bắc (từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) và gió Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm). Hiện tượng rác trôi dạt thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa gió, khoảng tháng 4 tháng 5, và tháng 9, tháng 10 và có thể kéo dài.
Từ 5 giờ 40, các thành viên Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) đã có mặt tại công viên Bãi Trước để tham gia nhặt rác. Để đảm bảo an toàn, các thành viên đều trang bị găng tay bảo hộ, túi đựng rác, kẹp gắp rác và bao đựng rác. Mỗi người một việc và triển khai ở những vị trí khác nhau nhưng đều chung tình yêu với môi trường thành phố biển Vũng Tàu. Đó cũng chính là lý do họ gặp nhau trong nhóm Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) với mong muốn góp phần giữ gìn môi trường biển sạch sẽ.
Chị Lê Thị Mai, thành viên nhóm Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) chia sẻ: "Nhìn cảnh Bãi Trước ngổn ngang trong rác và nước biển đục ngầu, tôi không khỏi xót xa cho thành phố biển của mình. Đáng chú ý là trong lượng rác này ngoài bèo và lục bình thì có khá nhiều rác thải nhựa lẫn vào như túi nilon, vỏ bao đồ ăn, chai nhựa đựng nước uống và thức ăn, sóng đánh nằm chỏng chơ trên bãi biển. Tôi mong chính quyền thành phố xem xét nghiên cứu cách quy hoạch bảo vệ môi trường biển cũng như quán triệt làm sao cho khách du lịch cũng như người dân ý thức hơn trong việc để rác đúng nơi quy định, từ đó góp phần chung tay bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sinh sống cũng như giữ được môi trường biển trong xanh, sạch đẹp hơn mỗi ngày".
Anh Lê Ngọc Nam - Thành viên Ban chăm sóc Cộng đồng sống tử tế (GNH Vũng Tàu) cho biết: “Hoạt động nhặt rác bảo vệ môi trường biển được nhóm tổ chức thường xuyên trong những năm gần đây với mục đích “góp hành động nhỏ, lan tỏa ý nghĩa lớn” đến tất cả mọi người trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Ngoài ra, hoạt động này còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn nhỏ trong CLB Kids Tử tế của Cộng đồng. Có những bạn đi tắm biển cùng cha mẹ cũng tự mình thu gom rác trên bãi biển, có bạn không kịp dậy đúng giờ đã nhờ bố mẹ chở ra biển nhặt rác một mình... Điều đó cho thấy tính giáo dục của hoạt động nhặt rác đối với các bạn nhỏ là rất lớn, và đấy chính động lực để chúng tôi từng chút một đem sự tử tế chạm vào từng người, để mỗi chúng ta tự chuyển hoá và "nhặt rác trong chính tư duy của mình".
Không chỉ có người dân Bà Rịa - Vũng Tàu, tình yêu biển, yêu môi trường cũng lan tỏa khắp nơi. Trong những năm gần đây rất nhiều nhóm từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến các nhóm tại thành phố Hồ Chí Minh, từ các cơ quan, đơn vị, phường, xã địa phương cùng đông đảo người dân và du khách đã tham gia dọn rác khu vực bãi biển ở Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Trước TP. Vũng Tàu. Theo nhiều người dân, du khách, bảo vệ biển không phải là trách nhiệm của một cá nhân hay một đơn vị nào mà cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng để góp phần vào việc “giữ gìn màu xanh của biển”.
Có thể nói, bảo vệ biển cần sự chung tay của tất cả mọi người. Chỉ khi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cùng nhận thức rõ về vai trò của mình và tích cực tham gia, chúng ta mới có thể giữ gìn màu xanh của biển cho các thế hệ mai sau. Hãy cùng nhau hành động vì một đại dương xanh, sạch và bền vững!
Nguyễn Thị Hồng Thắm - Tạp chí Năng Lượng Mới/Petrotimes