Môi trường

Lan tỏa điều tử tế từ việc dọn sạch môi trường biển

Thanh Tâm 19/11/2024 - 18:14

Nhóm 4 người hàng ngày vẫn cần mẫn đi nhặt rác ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc, đồng thời thu gom phế liệu để quyên góp làm từ thiện. Hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, mang ý nghĩa nhân văn ấy cần được lan tỏa và nhân rộng.

Người khởi xướng việc làm ý nghĩa

Khởi xướng cho hành động ý nghĩa đó là anh Nguyễn Văn Nam (SN 1989) thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đam mê nghề làm tranh đá quý, anh Nam khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Ở thời điểm hiện tại, anh đã làm chủ một cửa hàng tranh, có thu nhập ổn định.

Vốn sinh ra ở vùng đất Ngư Lộc, nơi đất chật người đông, chứng kiến lượng rác thải ở bờ biển từng ngập ngụa nhiều năm về trước. Anh Nam luôn trăn trở, làm sao để môi trường ở quê hương mình sạch hơn, người dân có ý thức trong giữ gìn môi trường.

Khi công việc đã dần đi vào ổn định, tháng 7/2023 Anh bắt đầu thực hiện nguyện vọng của mình. Mỗi buổi chiều, anh đóng cửa hàng rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, ra bờ biển của các xã ven biển nhặt rác. Công việc vẫn cứ thầm lặng hàng ngày như thế, anh Nam làm vì tâm sức với quê hương.

a-nam.jpg
Mỗi buổi chiều anh Nam rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ nhặt rác, thu gom phế liệu dọc bờ biển.

Sau vài tháng, anh Nam có thêm người bạn đồng hành là anh Vũ Văn Bảy (37 tuổi) ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc. Anh Bảy vốn là một ngư dân có nguồn thu nhập ổn định từ nghề vươn khơi. Sau đó, vì lý do sức khỏe, anh Bảy đành gác lại công việc. Anh Nam vẫn không nản chí hàng ngày vẫn âm thầm làm.

Gặp anh trong một buổi chiều, ánh nắng le lói của mùa đông, 16h anh Nam đóng cửa hàng tranh dắt chiếc xe đạp mini, phía sau trang bị thêm thùng xốp có dán giấy ghi dòng chữ: "Xin tặng cho mình lon, chai vỏ nhựa để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mình xin chân thành cảm ơn ạ!".

Từ thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, anh Nam bắt đầu hành trình bằng xe đạp, chốc chốc lại dừng bên lề đường, cặm cụi nhặt từng lon bia, chai nhựa cho vào bao tải, thùng xốp.

Theo anh Nam, ngày nào anh cũng đạp xe quanh 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc gồm: Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc. Việc đạp xe vừa nhặt rác tiện lượm nhặt phế liệu, trước là bảo vệ môi trường, sau đó bán gom tiền, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

a-nam-2.jpg
Từ lâu anh Nam luôn trăn trở về môi trường biển ở quê hương mình.

Ban đầu mọi người nghĩ anh Nam gàn dở, làm công việc không giống ai. Sau một thời gian, biết hai anh nhặt, bán ve chai dồn tiền làm từ thiện, bà con trong vùng dần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá. Nhiều bạn trẻ thường xuyên tặng lon chai, có nhà gửi tặng cả quần áo mới. Thậm chí có gia đình đã gom giúp, dồn hàng, lấy số điện thoại để hẹn lịch đến lấy.

Chị Nguyễn Thị Dung, SN 1988, thôn Minh Thắng, xã Minh Lộc thấy hành động đạp xe đi nhặt phế liệu bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo, chị Dung rất trân quý, gia đình có phế liệu đều gom lại gửi tặng.

"Việc làm của em Nam khiến tôi nghĩ, không phải chỉ những người có điều kiện mới đi làm từ thiện, mà từ thiện xuất phát từ trái tim, tấm lòng. Thứ cho đi có thể là vật chất, tinh thần, hay từ chính những hành động thiết thực mà ý nghĩa", chị Dung chia sẻ.

Lan tỏa giá trị tích cực từ hành động nhỏ

Nhận thấy việc làm của anh Nam thật sự ý nghĩa, chị Nguyễn Thị Dung với 4 người con, chồng đi biển cả tuần mới về những vẫn cùng với chị Trình Thị Hiểu, SN 1988 thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc và em Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 12, người ở thôn Minh Hải, Minh Lộc tình nguyện tham gia cùng với anh Nam.

Dù vướng bận con cái, công việc gia đình nhưng cả chị Dung và chị Hiểu đều cố gắng thu xếp thời gian, những chiều nào rảnh rỗi mỗi người một chiếc xe đạp cũ lại tiếp tục hành trình nhặt rác, thu gom phế liệu lan tỏa giá trị tích cực và đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn môi trường ở chính mảnh đất quê hương.

a-nam-3.jpg
Nhiều người dân gom phế liệu, gửi tặng nhóm của anh Nam.

Những người phụ nữ vùng biển tháo vát, cởi mở như chị Dung, chị Hiểu nghĩ đơn giản nhặt rác, thu gom phế liệu để nơi mình sống sạch hơn, có tiền gửi tặng những hoàn cảnh thiệt thòi hơn mình.

Theo anh Nam, lâu nay anh vẫn âm thầm làm từ thiện bằng nhiều cách. 5 năm qua, tại cửa hàng tranh lúc nào cũng đặt một bình nước và đổi nước uống miễn phí dành cho những người khó khăn đi qua.

Nguồn thu từ việc bán phế liệu, nhóm lại tích lũy, khi nào được một khoản kha khá, anh Nam cùng mọi người mua nhu yếu phẩm tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc chùa Hồi Long, huyện Hoằng Hóa, làng trẻ SOS thành phố Thanh Hóa nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi để trao tặng.

chi-dung.jpg
Chị Nguyễn Thị Dung dù vướng bận gia đình nhưng vẫn tranh thủ rảnh rỗi đi nhặt rác cùng với mọi người.

Gia đình chị Hoàng Thị Thanh, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc có hoàn cảnh éo le. Chị Thanh phải nuôi chồng tâm thần, con gái mắc bệnh tim, lại thêm trách nhiệm chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Thu nhập của cả nhà chỉ có chưa tới một trăm nghìn đồng mỗi ngày từ công việc bện dây cói thuê.

Gia đình chị Thanh thường xuyên được nhóm thiện nguyện của anh Nam thăm nom, sẻ chia những nhu yếu phẩm thiết yếu.

Anh Nam dự định sẽ trích một phần lợi nhuận của cửa tiệm, để dành mua gạo ủng hộ đồng bào vùng cao lúc giáp hạt hoặc góp tiền xây dựng nhà, trường học cho trẻ em.

Ông Trần Văn Sỹ, Trưởng thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc cho biết, mỗi chiều anh Nam đạp xe đi nhặt phế liệu, bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã. Anh Nam còn hỗ trợ đổi nước sạch cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái.

Bí thư Đoàn xã Ngư Lộc Hoàng Ngọc Dương xác nhận, không quản ngại khó khăn, anh Nam đã đạp xe đi lượm ve chai, phế liệu bán giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Việc làm của hai anh xuất phát từ trái tim, tấm lòng. Hành động ý nghĩa đó là câu chuyện của sự tử tế, lan tỏa tình yêu thương giữa con người và con người.

Mỗi buổi chiều, bóng dáng của anh Nam và những người trong nhóm với chiếc xe đạp cũ, len lỏi qua những con ngõ nhỏ của các xã vùng biển nhặt rác và phế liệu trở nên thân thuộc với người dân nơi đây.

Nhiều gia đình tự nguyện thu gom phế liệu đợi nhóm anh Nam đi qua để gửi tặng, dù ít ỏi nhưng thể hiện tấm lòng trân quý việc làm ý nghĩa, lan tỏa giá trị tốt đẹp.

Tới thời điểm hiện tại, nhiều chủ tàu khi được nghe kể về việc làm của anh Nam, trong mỗi chuyến ra khơi họ chủ động gom rác và phế liệu mang về bờ. Mỗi khi tàu chuẩn bị cập bến, chủ tàu điện cho anh Nam ra lấy phế liệu.

Những người con vùng biển dạn dày sương gió, vẫn sống rất hào sảng, tử tế với đời với người, đáp lại những giá trị kinh tế mà biển khơi đã mang lại cho họ.

Chiều tà buông xuống, dọc bờ biển Ngư Lộc nhộn nhịp như vốn có của nó, trành cá phơi thơm mùi nắng, tiếng phụ nữ gọi nhau í ới chuẩn bị hậu cần cho chuyến ra khơi sớm mai của gia đình; đàn ông thì kiểm tra tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ. Về đây thấm vị mặn mòi của biển, cũng như tình người hào sảng nơi cửa biển.

Thanh Tâm