Môi trường

Phù Yên (Sơn La): Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường không khí

Nguyễn Nga 19/11/2024 - 11:26

(TN&MT) - Nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí, thời gian qua, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã tập trung rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có phát sinh nguồn bụi, khí thải để xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Theo lãnh đạo UBND huyện, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý chất lượng không khí, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, UBND huyện đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn địa phương.

z6043990112714_240dcabc47a9abb9678d09ede785d815.jpg
Thị trấn Phù Yên nỗ lực xây dựng đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 thị trấn Phù Yên được công nhận đô thị loại V, với tổng diện tích tự nhiên hơn 105ha, gồm 8 tiểu khu, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bên cạnh đó, trung tâm cụm xã của xã Gia Phù và Mường Cơi có dịch vụ tương đối phát triển, là các điểm giao lưu hàng hoá của các cụm dân cư và các vùng lân cận, mang sắc thái của một đô thị nhỏ, trong tương lai sẽ trở thành các thị trấn.

Trước tốc độ đô thị hóa ngày một cao, đi kèm đó là gia tăng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, hàng năm, huyện Phù Yên đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chung tay bảo vệ môi trường.

Công tác tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị cấp huyện, các cuộc họp, giao ban của UBND các xã, thị trấn để phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý chất lượng môi trường không khí, tác hại của ô nhiễm môi trường không khí…

Thường xuyên phát động các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải gắn với các ngày lễ như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Giao các tổ chức chính trị xã hội xây dựng và quản lý các đoạn đường tự quản, đảm bảo các tuyến đường luôn sáng xanh sạch đẹp, hướng tới xây dựng đô thị văn minh.

Tại các xã còn lại, đã chủ động xây dựng, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân không đốt rác thải nhựa, không đốt bao gói thuốc BVTV. Đặc biệt là không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch… để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm.

Hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong để giảm phát sinh các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý. Đưa các nội dung thực hiện công tác bảo vệ môi trường không khí, chống rác thải nhựa vào cam kết, hương ước của tổ, bản, xã, tiểu khu.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng TN&MT đã phối hợp với các phòng, ban có liên quan, các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn để xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo đúng quy định.

z6043843648320_388d7beb6c74134013ab4f1a3ceb7fb9.jpg
Huyện Phù Yên còn 1 mỏ đá làm VLXD thông thường đang hoạt động.

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Phù Yên không có các cơ sở phát sinh nguồn bụi, khí thải quy mô lớn. Nguồn bụi, khí thải chủ yếu từ 1 mỏ đá làm VLXD thông thường đang hoạt động, 1 cơ sở sản xuất gạch tuylen; các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như quay vịt, các hàng quán có sử dụng than tổ ong…; các dự án, công trình xây dựng đang thi công; ô nhiễm trong khí thải từ các phương tiện giao thông…

Tuy nhiên, do Phù Yên chưa có nguồn lực về máy móc, trang thiết bị để đánh giá mức độ ô nhiễm của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, mà chỉ thực hiện đánh giá qua hình thức trực quan, dẫn đến công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả không cao.

Thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các nguồn thải chính, tập trung vào các nguồn công nghiệp, giao thông, xây dựng. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, chủ động phòng ngừa, ứng phó nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí.

Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường cơ chế giám sát của cộng đồng dân cư với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường. Duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Tập huấn, phổ biến thường xuyên các kiến thức về quản lý chất lượng môi trường không khí, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí đến cán bộ quản lý môi trường các cấp, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư. Xây dựng, thực hiện các kế hoạch truyền thông đến cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí, lợi ích của việc sử dụng các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí…

Nguyễn Nga