Bất động sản

Hà Nội ra tối hậu thư cho các dự án tồn đọng

Thùy Linh 18/11/2024 - 14:50

(TN&MT) - UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân loại các dự án đầu tư, nguyên nhân tồn đọng, dừng thi công kéo dài, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo UBND TP trước ngày 30/11/2024…

Theo đó, Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, thống kê toàn bộ dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài; thuộc phạm vi, địa bàn quản lý (bao gồm các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, môi trường, thoát nước và xử lý nước thải, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa; các dự án khu đô thị, khu nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở sinh viên), bãi đỗ xe, chợ… chậm triển khai, chậm đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh theo dự án, quy hoạch được duyệt; các khu công viên đã đầu tư xây dựng nhưng chưa khai thác, sử dụng các ô đất quy hoạch công viên chưa đầu tư xây dựng…).

du-an-cv-ho-dieu-hoa-kdt-tay-nam1.jpg
Dự án công viên Nam Trung Yên chậm triển khai

Trên cơ sở đó, các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm những vướng mắc, tồn tại (trong đó xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá), có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/11/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND TP.

Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ công trình trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý, nhất là đối với công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; đề xuất kế hoạch, biện pháp khắc phục, sắp xếp, khai thác có hiệu quả các công trình này; có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Tài chính trước ngày 25/11/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND TP.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến hết tháng 6/2024 UBND TP đã chỉ đạo xử lý lũy kế là 705 dự án (chiếm 99% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng; có 7 dự án (chiếm 1% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 88,5 ha đất đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch & Đầu tư đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

Trong số 712 dự án đã được chỉ đạo xử lý có 410 dự án (với tổng diện tích 9089,5 ha đất) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 80% dự án so với cuối năm 2023 (330 dự án).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, để triển khai thực hiện nghị quyết này, UBND TP đã xác định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ngay sau khi nghị quyết được HĐND TP ban hành, UBND TP đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát số lượng và tổ chức xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với 712 dự án.

UBND TP đã giao các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã rà soát, tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án; đồng thời chủ động, tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm mới để đề xuất, tiếp tục kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì cùng các Phó Chủ tịch và các sở, ngành TP tổ chức rà soát, làm việc với Bí thư và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn TP. Đồng thời, phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP theo dõi, giám sát, đôn đốc, phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án nhằm khắc phục vi phạm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cùng với việc đưa các dự án ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai thì UBND TP tiếp tục tục chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì cũng các sở, ngành TP rà soát, thống kê đầy đủ các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai nằm ngoài danh sách nêu tại Báo cáo số 451/BC-IBND ngày 28/11/2023 của UBND TP.

Thực hiện kế hoạch này, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn để tiếp tục đề nghị xử lý đối với 117 dự án nằm ngoài danh sách. Trong đó, 60 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; 57 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, 20 quận, huyện có dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm gồm: Hoài Đức (3 dự án), Nam Từ Liêm (12 dự án), Bắc Từ Liêm (6 dự án), Sóc Sơn (9 dự án), Đống Đa (1 dự án), Thanh Xuân (2 dự án), Hà Đông (12 dự án), Hoàng Mai (6 dự án), Thạch Thất (19 dự án), Phúc Thọ (1 dự án), Đan Phượng (1 dự án), Cầu Giấy (1 dự án), Thanh Oai (2 dự án), Quốc Oai (1 dự án), Ba Vì (6 dự án), Thanh Trì (6 dự án), Gia Lâm (1 dự án), Mỹ Đức (1 dự án), Tây Hồ (3 dự án), Long Biên (24 dự án).

Crường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các nội dung phức tạp liên quan đến nhiều cấp ngành thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng công tác xử lý, các dự án chậm tiến độ kéo dài, không đưa đất vào sử dụng...

Thùy Linh