Biến đổi khí hậu

Thạch Thành (Thanh Hóa): Cần sớm có phương án xử lý tình trạng sạt lở đất

Tuyết Trang 18/11/2024 - 14:00

Tình trạng sạt lở, sụt lún đất liên tục xảy ra tại thị trấn Kim Tân, xã Thành Trực và Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa một cách nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến nhiều hộ dân. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương có những giải pháp xử lý, phòng chống nguy cơ sạt lở đất kịp thời nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.

Sự cần thiết xử lý sạt lở đất đồi để đảm bảo an toàn cho nhân dân

Do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 3, số 4 và các hình thái thời tiết gây mưa, trong tháng 9 năm 2024 trên địa bàn huyện Thạch Thành xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Mưa lớn liên tục dài ngày dẫn đến nhiều vị trí sườn núi tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Trực, Thành Yên xuất hiện các vết nứt rộng, tạo thành các các cung trượt, tại một số vị trí đất sạt lở đã tràn xuống công trình, nhà ở của người dân, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu vực.

anh-1.jpg
Mưa lớn kéo dài khiến tình trạng sạt lở đất tại huyện Thạch Thành xảy ra

Trước tình trạng cấp bách trên, ngày 1/10/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Lê Đức Giang đã ban hành Quyết định số 3933/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Yên, Thành Trực, huyện Thạch Thành. Yêu cầu UBND huyện Thạch Thành tiếp tục hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Triển khai ngay các biện pháp cảnh báo, tổ chức cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập rào chắn. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

anh-3.jpg
Chính quyền địa phương căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm

Theo ghi nhận thực tế, tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, các hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến Đường tỉnh 523, phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân là các núi đất; hiện tại các núi này có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 300m (lớn nhất là đoạn từ nhà ông Lê Đức Anh đến nhà ông Vũ Văn Sơn với chiều dài khoảng 120m, phía trên xuất hiện các vết nứt có chiều rộng 30cm); sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ/29 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến Đường tỉnh 523 và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

anh-5.jpg
Chị Đinh Thị Hưng (khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) kể lại tình trạng sạt lở đất trong đợt mưa vừa qua

Tại thôn Đồng Thành, xã Thành Yên, hiện nay núi đất phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân xuất hiện một cung sạt với chiều dài khoảng 120m, đỉnh cung sạt bị tụt so với vị trí ban đầu (theo phương đứng) khoảng 1,2m, chiều rộng khe nứt lớn nhất khoảng 45cm; sạt lở đã làm đất tràn vào các công trình, nhà ở của các hộ dân, làm nứt tường chắn đất do người dân xây dựng; sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ/36 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông liên huyện và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

anh-6.jpg
Nguy cơ sạt lở vào nhà dân luôn thường trực mỗi khi mưa lớn

Mặc dù tình trạng mưa lớn đã thuyên giảm, song nhiều người dân ở thị trấn Kim Tân vẫn chưa hết bàng hoàng về tình trạng sạt lở trong đợt mưa cao điểm vừa qua, nỗi lo lắng luôn thường trực về những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra bất cứ khi nào, không thể lường trước. Ông Đào Trọng Tuấn (73 tuổi, khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân) cho biết: Phía sau nhà là một quả đồi cao hơn chục mét, đợt mưa vừa qua khiến đất đá bở xốp chảy sạt sát vào nhà, nguy hiểm vô cùng. Tôi nay tuổi đã cao, đi lại khó khăn, cứ mỗi lần mưa gió phải di dời chỗ ở làm tôi rất vất vả mệt mỏi. Gia đình có cả người già và trẻ nhỏ, lúc nào cũng nơm nớp lo sạt lở vào nhà. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền, hỗ trợ người dân chúng tôi, có phương án xử lý tình trạng nguy cơ sạt lở này.

anh-7.jpg
Ngọn đồi cao cả chục mét, tạo vách đứng phía sau nhà dân

Không giấu nổi sự lo lắng, chị Đinh Thị Hưng, (khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân) chỉ tay về đống đất đá sạt sau nhà: Mặc dù gia đình đã được sơ tán, di dời từ trước nhưng đợt mưa vừa qua đã làm hàng nghìn khối đất đá kèm cây cối từ ngọn núi cao đã sạt vào móng nhà. Chính quyền địa phương đã phải căng dây, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn. Chúng tôi phải đợi cho mưa ngừng hẳn, đất khô lại mới dám về nhà. Bây giờ cứ mỗi lần nghe thấy tiếng động lạ trên ngọn núi sau nhà, là gia đình tôi phải hô hoán nhau sơ tán. Rất mong nhà nước có phương án xử lý để chúng tôi yên tâm sinh sống.

Giải pháp phòng chống sạt lở đất

Anh Đỗ Văn Tư, khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân cho biết: Gia đình tôi có khoảng 3000m2 là đất ở và trồng cây, ngọn đồi sau nhà có độ cao khoảng 30-40m, tạo vách treo leo, dựng đứng vô cùng nguy hiểm. Cứ mỗi lần mưa xuống là nước mưa kèm bùn đất chảy tràn lan ra sân, tạo thành lớp dày. Với lượng đất đá lớn thế kia, nếu không có phương án xử lý, hạ thấp độ cao quả đồi này, tôi e rằng sẽ không chịu được qua đợt mưa lớn tiếp theo.

Anh Vũ Văn Hoàng, Trưởng Khu phố Lâm Thành xác nhận: Phần sau nhà của các hộ dân tiếp giáp đồi, hình thành một vách taluy sạt lở có chiều dài khoảng 3.000m, cao từ 3-20m, độ dốc đừng từ 80 độ - 90 độ, rất nguy hiểm. Trong những năm gần đây, nhất là bão Yagi vừa qua, do vách taluy gần sát nhà dân có chiều cao lớn và dốc đứng nên khi bão đến, trời mưa to đã gây sạt lở khu vực vách taluy vào tận nhà người dân, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản. Nếu có đợt mưa lớn tiếp theo, rất dễ bờ taluy tiếp tục sạt lở, cực kỳ nguy hiểm. Rất mong các cơ quan chức năng có phương án xử lý vách taluy dốc đứng phía sau nhà của các hộ dân để đảm bảo an toàn, cũng như để người dân yên tâm sinh sống.

Tại các thôn Chính Thành, Định Thành và Ngọc Nước, xã Thành Trực, các hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến Đường tỉnh 523, phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân là các núi đất; hiện nay, tại các thôn nêu trên có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 410m (lớn nhất là tại thôn Chính Thành với chiều dài khoảng 150m); sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 36 hộ/123 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến Đường tỉnh 523 và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

anh-8.jpg
Đất đá trượt sạt sát nhà dân

Bà Trần Thị Viên, thôn Chính Thành, xã Thành Trực: Cứ mỗi lần mưa to, đất đá sau nhà đều sạt sát vào nhà, đặc biệt là đợt mưa lớn vừa rồi, tôi đang trong nhà thì nghe tiếng động lớn từ ngọn đồi cao sau nhà, tôi lập tức chạy ra đường thì chứng kiến nhiều khối đất đá đang sạt xuống. Mong muốn của tôi là được các cơ quan có thẩm quyền vận chuyển đất đá đi nơi khác để tôi yên tâm sinh sống.

Bà Đỗ Thị Huệ, thôn Chính Thành, xã Thành Trực cho biết: Đợt mưa vừa rồi đã làm ngọn đồi sau nhà sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp toàn bộ số lượng gà, chó được nhốt sau nhà. Nay tuổi cao sức yếu, mỗi lần đi di dời rất vất vả. Đồng thời lo lắng về các đợt mưa tiếp theo sẽ gây nguy cơ sạt lở, vùi lấp nhà cửa.

Bà Nguyễn Thị Nhi, thông Chính Thành, xã Thành Trực chưa hết bàng hoàng kể lại: Hôm đấy trời mưa rất to, tôi đang nấu cơm thì tiếng lách tách của cây cối gãy phía sau nhà càng ngày càng nhiều, theo phản xạ, tôi hô hoán các cháu chạy ra đường thì cả trăm khối đất đá sạt xuống sát chân nhà, nguy hiểm lắm. Mỗi lần mưa xuống, gia đình tôi phải vất vả gói gém đồ đạc lỉnh kỉnh đi đến nhà khác để ở nhờ, bất tiện vô cùng. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Khắc Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân cho biết: Đặc thù của các hộ dân miền núi là ở sát đồi, dọc tuyến đường thuộc khu phố Lâm Thành các hộ dân ở phía sau nhà là đồi đất đang có nguy cơ sat lở. Các hộ cũng mong được cơ quan nhà nước có phương án sớm xử lý sạt lở đất để người dân yên tâm sinh sống.

Tuyết Trang