HSI, IUCN phối hợp tập huấn cứu hộ rùa biển, thú biển trong các trường hợp khai thác không chủ ý
(TN&MT) - Trong các ngày 13-15/11, với sự phối hợp của HSI Việt Nam và IUCN Việt Nam, tại Tây Ninh và Bình Định, đã diễn ra các hoạt động tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin về khai thác không chủ ý đối với nhóm loài này.
*Theo đó, từ ngày 13-14/11, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng HSI tại Việt Nam (Human Society International (HSI) - một trong những tổ chức chuyên bảo vệ động vật trên thế giới hoạt động với mục tiêu bảo vệ các loài động vật), IUCN Việt Nam tổ chức tập huấn “Hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin về khai thác không chủ ý đối với nhóm loài này”.
Chương trình tập huấn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho những cán bộ làm công tác bảo tồn biển, quản lý thủy sản ở các địa phương có thể tham gia cứu hộ hoặc tổ chức tuyên truyền, tập huấn lại cho ngư dân ở địa phương mình về quy trình cứu hộ các loài rùa biển, thú biển.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Cục Kiểm ngư, đại diện các Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Vùng V; Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố: Bình Định, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Sóc Trăng; Chi cục Kiểm ngư các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang; các Ban Quản lý Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia có hợp phần biển: Nha Trang, Núi Chúa, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Hòn Cau, Côn Đảo; các chuyên gia cùng 30 ngư dân.
Thông tin từ buổi tập huấn, rùa biển và các loài thú biển là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái biển. Tại vùng biển Việt Nam đã ghi nhận được 5 loài rùa biển sinh sống và kiếm ăn dọc vùng ven biển và các đảo xa bờ gồm: Vích (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Quản đồng (Caretta caretta) và Rùa da (Dermochelys coriacea) và khoảng hơn 30 loài thú biển như cá heo, cá voi, Dugon.
Tất cả các loài Rùa biển, thú biển đều nằm trong Sách Đỏ Việt Nam(2007), Danh lục đỏ IUCN, Các loài rùa biển thuộc Nhóm I của Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP trong khi các loài thú biển đều thuộc Nhóm I của Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ban hành tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm ngư cho biết, công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam đã được quan tâm từ rất sớm với việc tham gia ký kết biên bản ghi nhớ về bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng ở Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA) từ ngày 01/10/2001, xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển Việt Nam đến năm 2010 và Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam giai đoạn 20216-2025.
Kết quả thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển cho thấy, công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển đã có những chuyển biến rõ nét, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo tồn, bảo vệ rùa biển đã có chuyển biến sâu sắc; công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rùa biển đều có tiến triển tốt.
Hệ thống văn bản liên quan đến bảo tồn rùa biển đã và đang được hoàn thiện; Quy trình cứu hộ và tái thả rùa biển đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế; Các nghiên cứu về hiện trạng, phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái học, ứng dụng công nghệ trong khai thác nhằm hạn chế tác động tới rùa biển đều đạt kết quả khả quan, cung cấp căn cứ để bảo tồn rùa biển; Các hoạt động như dựng pano tuyên truyền, phổ biến tài liệu bảo tồn rùa biển cho địa phương, thiết lập các mô hình cộng đồng kết hợp du lịch và bảo vệ rùa biển, các chương trình tình nguyện viên cho học sinh – sinh viên tham gia bảo tồn rùa biển đều có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: môi trường nước ô nhiễm, nơi kiếm ăn bị thu hẹp, các bãi đẻ bị tác động mạnh (xây khu du lịch, tác động thường xuyên của các hoạt động kinh tế - xã hội…), tình trạng khai thác không chủ ý vẫn còn diễn ra; hiện tượng buôn bán, tiêu thụ rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển bất hợp pháp vẫn còn tiếp diễn tại một số địa phương; công tác phối hợp của các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về rùa biển còn chưa kịp thời; nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn rùa biển còn nhiều hạn chế, công tác cứu hộ chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ,…
Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các tổ chức triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn rùa biển, thú biển như: tuyên truyền bảo vệ rùa biển thông qua các hình thức như in ấn pa nô, áp phích, tập huấn; tổ chức thực hiện điều tra hoạt động đánh bắt, vận chuyển buôn bán bất hợp pháp rùa biển và tổ chức Hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển; xây dựng sổ tay hướng dẫn cứu hộ rùa biển,…. Các hoạt động trên đã góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025.
Trong chương trình tập huấn, các học viên được hướng dẫn các kỹ năng chuyên sâu về cứu hộ rùa biển và thú biển, cách xử lý tình huống khẩn cấp, chăm sóc cá thể bị thương, và các phương pháp giúp tái thả chúng về môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, khóa học cũng sẽ giới thiệu các phương pháp thu thập thông tin về các trường hợp khai thác không chủ ý đối với rùa biển và thú biển – một nhiệm vụ quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng của loài, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp.
Thông qua khóa tập huấn này, các học viên không chỉ thành thạo về mặt kỹ năng, mà còn trở thành những đại sứ bảo vệ môi trường biển, giúp lan tỏa những thông điệp tích cực về bảo tồn đến với cộng đồng.
*Tiếp đó, ngày 15.11, tại TP Quy Nhơn, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức lớp tập huấn về cứu hộ rùa biển, thú biển trong trường hợp đánh bắt không chủ ý cho ngư dân Bình Định.
Tham gia tập huấn có đại diện IUCN, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, Chi cục Thủy sản, Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Quy Nhơn, Đồn Biên phòng Mỹ An, lãnh đạo và ngư dân các xã Nhơn Hải, xã Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và 39 tình nguyện viên trên biển là ngư dân đã được các địa phương trên lựa chọn và đăng ký tham gia.
Đánh bắt không chủ ý trong khai thác nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam và toàn cầu là một vấn đề gây tác động nghiêm trọng cho các hoạt động bảo tồn thú biển và rùa biển. Các loài rùa biển, cá heo, cá voi, và các loài thú biển khác không phải là mục tiêu khai thác nhưng bị đánh bắt do lưới, câu, hoặc phương tiện khai thác khác một cách không chủ ý, và có khả năng bị thương hoặc bị chết.
Số lượng rất lớn cá thể thú biển, rùa biển bị đánh bắt không chủ ý đã gây ra nhiều vấn đề đối với hoạt động bảo tồn và ảnh hưởng đến quần thể các loài này. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện (2010-2020) ước tính hàng năm có khoảng hơn 1.000 cá thể rùa biển đã bị đánh bắt không chủ ý và phần lớn trong số đó đã bị chết trên biển vì không được cứu hộ đầy đủ và chính xác.
Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư, ở nhiều nơi số lượng sinh vật biển bị đánh bắt không chủ ý còn lớn hơn số lượng đánh bắt loài mong muốn. Các loài thường xuyên bị đánh bắt không chủ ý như cá mập, cá nhám, rùa biển…
Theo ước tính của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm có hơn 100 nghìn con cá mập và các loài cá thuộc họ cá mập bị đánh bắt, một nửa trong số đó là đánh bắt không chủ ý. Đáng quan tâm là những loài bị đánh bắt không chủ ý thường không được thả lại về biển mà vẫn bị giữ lại cho mục đích thương mại. Điều này khiến việc đánh bắt không chủ ý trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến đánh bắt quá mức.
Tại lớp tập huấn các tình nguyện viên được nghe các báo cáo viên giới thiệu về hiện trạng bảo tồn rùa biển, thú biển và môi trường biển ở Việt Nam; một số đặc trưng sinh học, sinh sản của rùa biển; phương pháp bảo vệ, cứu hộ rùa biển và trứng rùa biển; thực hành thông tin về rùa biển, thú biển bắt gặp/đánh bắt không chủ ý trên biển.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối viên Chương trình Tài nguyên Biển và Vùng ven biển (IUCN Việt Nam) cho biết, mục tiêu của lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho ngư dân trong việc giám sát và cứu hộ các loài rùa biển, thú biển bị đánh bắt không chủ ý, từ đó xây dựng chương trình thí điểm thu thập các thông tin về tình hình đánh bắt không chủ ý các loài rùa biển và thú biển tại vùng biển ven bờ và vùng lộng của Bình Định. Trên cơ sở đó, đánh giá hiện trạng đánh bắt rùa biển/thú biển không chủ ý tại các địa phương và xác định các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái đối với các loài này để có căn cứ và dữ liệu xây dựng các đề xuất chính sách cho cơ quan quản lý.