Khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản
Phát biểu tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã và đang phối hợp với cơ quan có liên quan trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 , Nghị quyết này sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản.
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội tổ chức diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; theo đó, quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất. Ba đạo luật nêu trên đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đột phá, đổi mới, tiến bộ, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai, quản lý thị trường bất động sản, nhà ở được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, Luật Đất đai 2024 có những điểm mới quan trọng sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Điển hình là đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định rõ ràng về phương thức tiếp cận đất đai; quy định cụ thể hơn quyền của người sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai.
Trong đó, về phương thức tiếp cận đất đai, Thứ trưởng cho biết, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các phương thức tiếp cận đất đai đối với các dự án rất đa dạng, linh hoạt phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai.
Bên cạnh những phương thức mang tính hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư như: giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, còn có những phương thức mang nguyên tắc thị trường, dựa trên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, hay phương thức tạo sự chủ động cho doanh nghiệp như thoả thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho phép người đang có quyền sử dụng đất thực hiện các dự án bất động sản. Cho phép giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư, theo tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Với quy định của Luật sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại địa phương, đặc biệt là các dự án mới có sử dụng đất, cân bằng chính sách an sinh xã hội với phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong việc khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 về việc tiếp cận quyền sử dụng đất của nhà đầu tư trong các lĩnh vực có xu hướng mở rộng hơn, tạo ra môi trường công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, có đất để thực hiện các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật Nhà nước.
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai, Luật Đất đai đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đăng ký, cấp GCN cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Đồng thời, Luật cũng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các bước công việc trong thực hiện thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, quy định đối với trường hợp người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất thì không phải làm thủ tục để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, như vậy sẽ rút ngắn nhiều thời gian để được tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân...
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với cơ quan có liên quan trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng thảo luận những vấn đề tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản; nguyên nhân đến từ thể chế chính sách, các điểm nghẽn được tháo gỡ để thống nhất giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, từ đó, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết, Ban tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các chuyên gia thành một tài liệu tham vấn quan trọng để chuyển cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ, nhằm gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản, tài chính bất động sản…hướng đến mục tiêu lý tưởng “mọi người dân đều có nhà để ở”.