Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên nước cho các Nhà máy Thủy điện, Nhiệt điện
(TN&MT) - Ngày 15/11, tại Hải Dương, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổng Công ty Phát điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật cho các Nhà máy Thủy điện, Nhiệt điện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) cho biết, Tổng Công ty Phát điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện đang quản lý 16 Nhà máy điện. Trong đó có 9 Nhà máy Thủy điện, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ; 6 Nhà máy Nhiệt điện và 1 Nhà máy điện mặt trời.
Ông Ngô Việt Hưng cũng cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước ngày càng được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ 01/01/2022, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và có hiệu lực từ 01/7/2024; cùng với các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt và hướng đến phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Vì vậy, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật cho các Nhà máy Thủy điện, Nhiệt điện được tổ chức nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và nhận thức về tầm quan trọng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong Tổng công ty Phát điện 2; đồng thời, cập nhật các quy định pháp luật mới về tài nguyên nước, qua đó giúp các đơn vị chấp hành đúng và đầy đủ quy định pháp luật, quy định tại giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, không để xảy ra sự cố, vi phạm quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Và để thực hiện thành công mục tiêu “Không để xảy ra sự cố về môi trường, không vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên nước; sử dụng tài nguyên nước hài hoà, hiệu quả”, tại Hội nghị, ông Ngô Việt Hưng đề nghị các đơn vị trong Tổng công ty Phát điện 2 cần chủ động hơn nữa trong việc thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định văn bản pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, của EVN và của EVNGENCO2; sản xuất an toàn, hiệu quả. Điều đó sẽ góp phần cho sự thành công và phát triển bền vững của các Đơn vị cũng như của Tổng công ty Phát điện 2 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Lưu vực sông Nam Trung Bộ giới thiệu chuyên đề chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, nhiệt điện được quy định tại Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Các nội dung được phổ biến liên quan đến quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Quy định về quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Quy định dòng chảy tối thiểu sau đập, hồ chứa; Quy định hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hồ chứa); Điều hòa phân phối tài nguyên nước; Quy trình vận hành hồ, liên hồ chứa; Dịch vụ tài nguyên nước; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước, chủ hồ chứa, nhiệt điện;…
Đặc biệt, việc khai thác tài nguyên nước cho thủy điện phải bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, trừ trường hợp khai thác nước với quy mô nhỏ; tham gia cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa.
Bên cạnh đó, đối với thủy điện, nhiệt điện, đối tượng khai thác tài nguyên nước không thuộc trường hợp phải kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bao gồm: Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW; Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m3 /ngày đêm; Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m3 /ngày đêm.
Tuy nhiên, các trường hợp khai thác nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện thì phải thực hiện cấp phép theo quy định. Trong đó, thời điểm cấp phép là trước khi xây dựng công trình khai thác nước.
Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bà Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho biết, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Trong đó, lưu ý tiền cấp quyền được thông báo, nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có quyết định phê duyệt. Đối với công trình đã được phê duyệt tiền cấp quyền tính đến thời điểm Nghị định 54/2024/NĐ-CP có hiệu lực nhưng vẫn chưa đi vào vận hành thì cơ quan thẩm định có văn bản gửi Cục thuế địa phương về việc chỉ ban hành thông báo nộp tiền khi nhận được quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đối với hồ chứa mà phạm vi công trình nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được phân chia cho từng tỉnh trên cơ sở tỷ lệ (%) số tiền nộp thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên;…
Cũng tại Hội nghị, trên cơ sở các nội dung được giới thiệu, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm đảm bảo công tác thực thi pháp luật về tài nguyên nước được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.