Xã hội

Chi Lăng (Lạng Sơn): Hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, tạo đột phá phát triển KT-XH

PV 15/11/2024 - 13:52

(TN&MT) - Xác định xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khơi dậy sức dân xây cầu dân sinh

Chi Lăng là địa phương có hệ thống sông suối khá dày, dẫn đến nhu cầu xây dựng những cây cầu dân sinh vượt sông, suối là rất lớn và cấp thiết. Hàng năm, UBND huyện đã giao Phòng KT&HT phối hợp với UBND các xã, thị trấn có nhu cầu để rà soát, lập danh sách các cầu, ngầm tràn, đánh giá quy mô dự kiến cần đầu tư xây dựng.

Để có nguồn lực thực hiện, huyện đã chú trọng triển khai theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức chung tay và Nhân dân đối ứng thực hiện. Kết quả, giai đoạn 2021-2024, thực hiện Đề án Xây dựng cầu, ngầm tràn dân sinh, Chi Lăng đã cứng hóa, xây dựng mới 24 cầu, ngầm dân sinh bằng bê tông cốt thép.

Giai đoạn 2024-2030, thực hiện Đề án xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì cầu trên đường giao thông nông thôn của UBND tỉnh phê duyệt, huyện Chi Lăng thực hiện rà soát, lựa chọn đầu tư xây dựng cầu Làng Ngũa, xã Chi Lăng. Đây là công trình người dân đã nhiều năm kiến nghị xây dựng, nhằm đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối giữa Quốc lộ 1A mới với Quốc lộ 1A cũ.

Để triển khai Đề án, Phòng KT&HT đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. UBND xã Chi Lăng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tại cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.

Công trình cầu được đầu tư xây dựng theo cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện hỗ trợ 30% để xây dựng hoàn chỉnh cầu chính; nguồn xã hội hoá và nhân dân đối ứng 40% kinh phí để thực hiện đường dẫn hai bên cầu.

20241115_122849.png
Người dân Chi Lăng tham gia xây dựng cầu dân sinh (ảnh Trang Ninh).

UBND xã Chi Lăng cùng với thôn Làng Ngũa đã tổ chức họp dân, phổ biến nội dung đề án đến toàn thể nhân dân. Tập trung tuyên truyền đến người dân về chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động làm đường dẫn hai bên đầu cầu.

Qua tuyên truyền, vận động, cơ bản bà con nhân dân nhất trí và hưởng ứng với nội dung, mục tiêu dự án. Mỗi hộ dân sẵn sàng đóng góp mức bình quân từ 1-3 triệu đồng, đồng hành cùng huyện, xã hoàn thành công trình. Trong quá trình triển khai xây dựng, MTTQ xã và Ban công tác mặt trận khu dân cư đã phối hợp làm tốt công tác giám sát cộng đồng để công trình được thực hiện đảm bảo về quy trình, quy phạm, chất lượng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Phân cấp cho UBND xã làm đường giao thông nông thôn

Cùng với các công trình cầu dân sinh, huyện Chi Lăng cũng tập trung triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn. Năm 2024 là năm đầu tiên UBND huyện thực hiện phân cấp quản lý, giao cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư các dự án làm đường giao thôn, áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025.

Bằng Hữu là xã được tỉnh Lạng Sơn lựa chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 của Chi Lăng. Để hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, UBND huyện đã giao UBND xã làm chủ đầu tư thực hiện bê tông hóa tuyến đường Kéo Phầy - Pá Tào - Lũng Đẩy với tổng chiều dài 0,8km; sau khi hoàn thành dự án sẽ nâng tỷ lệ cứng hóa đường trục xã lên 100%.

Đối với các tuyến đường trục thôn, ngõ, xóm, nội đồng, trên cơ sở các tuyến đã có sẵn mặt bằng, UBND xã và nhân dân đã chuẩn bị vật liệu, vật tư và nguồn nhân lực, Phòng KT&HT huyện đã cung cấp cho Bằng Hữu 430 tấn xi măng, thực hiện bê tông hóa 3.990m đường giao thông nông thôn các loại.

Tại các xã khác trên địa bàn huyện, chính quyền các cấp cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp ngày công lao động, góp của, tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra quân làm đường giao thông nông thôn. UBND huyện cũng đã đẩy mạnh phong trào cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang ngày thứ 7, chủ nhật xuống cơ sở hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, trong đó, có việc chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Theo Phòng KT&HT huyện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phương châm chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, kết hợp huy động, lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn nội lực trong nhân dân, trong 10 tháng năm 2024, UBND huyện Chi Lăng đã thực hiện bê tông hóa được 26,57km đường giao thông nông thôn các loại, thực hiện cung cấp trên 3.990 tấn xi măng, huy động trên 16.028 ngày công, thực hiện hiến trên 23.000m2 đất để mở rộng đường, nhân dân đóng góp trên 5.882 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục ưu tiên, huy động, dồn các nguồn lực để tập trung hoàn thiện các đề án phát triển hạ tầng giao thông theo kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư chung tay hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

img_20241115_130107.jpg
Giai đoạn 2021-2024,Chi Lăng đã cứng hóa, xây dựng mới hơn 20 cầu, ngầm dân sinh bằng bê tông cốt thép (ảnh Thanh Cương).

Đồng thời, quản lý, sử dụng tốt các tuyến đường đã được bê tông hóa, phát huy hiệu quả lâu dài, giúp người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, kinh phí, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PV