Xuống cấp nghiêm trọng gây ô nhiễm ở đầm Hồng
(TN&MT) - Hồ Đầm Hồng nằm trên địa bàn phường Khương Đình và một phần phường Khương Trung, thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội). Hồ có diện tích 109.235m2, mục đích làm nhiệm vụ thoát nước và khu vui chơi giải trí cho người dân khu vực. Trước khi cải tạo, đưa vào sử dụng, hồ Đầm Hồng được kỳ vọng trở thành “lá phổi xanh” của người dân nơi đây, thế nhưng, sau một thời gian, các hạng mục đã “kịp thời” xuống cấp trầm trọng.
Dạo quanh hồ đầm Hồng, dễ nhận thấy đường đi trong khuôn viên hồ Đầm Hồng nhiều đoạn đã bị sụt lún, lối đi gồ ghề. Một số đoạn còn là nơi tập kết của các loại vật liệu xây dựng. Những đoạn đường dạo ven hồ sạch đẹp, mát mẻ lại bị một số hộ dân chiếm dụng bày bàn ghế bán đồ ăn, đồ uống...
Bên cạnh đó, nhiều cành cây khô, rác bị dồn vào lề, khiến đường bị thu hẹp và mất vệ sinh. Lối đi xuyên qua hồ hai bên hệ thống lan can an toàn bị xuống cấp, rỉ sét.
Theo ghi nhận của phóng viên, 90% hộp kỹ thuật của cột điện quanh hồ không có nắp đậy trơ cả dây điện gây nguy hiểm cho người dân, hệ thống cột điện tại khu vực hồ có dấu hiệu hư hỏng, nhiều cột điện không thắp sáng, một số cột điện đã bị gãy gục, đổ ra đường đi nhưng không được thu dọn kịp thời, trở thành chướng ngại vật cho người đi bộ tập thể dục, thậm chí một số cột đã bị đổ ngay xuống dưới lòng hồ, gây nguy hiểm cho người dân đi lại.
Bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến tình trạng cá chết, trôi nổi lềnh bềnh trên hồ. Đặc biệt, lượng cá chết trong đầm không được trục vớt thường xuyên, nhiều xác cá nằm phơi trên đường dạo ven hồ và rác lưu cữu tại khu vực lối vào đầm (bên cạnh sân bóng) bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường.
Xung quanh hồ, cơ quan chức năng đã cắm các biển báo cấm đổ rác, phế thải, thế nhưng đất, đá, phế liệu, rác thải vẫn bị đổ tràn cả ra đường khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn và gây mất mỹ quan đô thị.
Với thực tế nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội xem xét, có kế hoạch nâng cấp, cải tạo; đồng thời, quản lý, nhắc nhở người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường để đầm Hồng phát huy hiệu quả, thực sự là “lá phổi xanh” cho khu vực này.